Quyết liệt hơn trong dự báo cung cầu để đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

.

Những bất cập trong triển khai giáo dục nghề nghiệp là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội diễn ra vào sáng 6-6.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, quy hoạch mạng lưới đào tạo còn rất nhiều bất cập. Trong thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt hơn trong dự báo cung cầu để đào tạo nghề thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Tạo sự ủng hộ của phụ huynh và người học

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ những giải pháp, chính sách và thời gian thực hiện việc thu hút học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. “Bao giờ giáo dục nghề nghiệp mới là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, được học sinh lựa chọn, chứ không là sự lựa chọn sau cùng khi đã không thi đỗ vào 10, vào đại học?”, đại biểu thẳng thắn nói.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính phủ đã hoàn thiện toàn bộ cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp; có sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này, gồm: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề. Hiện, quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh vào học nghề. So với cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, “cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt” - Bộ trưởng nói. “Hiện nay, quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn rất nhiều điều cần quan tâm. Quy mô chưa lớn. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn những vấn đề cần tiếp tục đổi mới và cải thiện. Hệ thống chính sách pháp luật, chế độ chính sách nhằm ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều", Bộ trưởng thẳng thắng nhìn nhận.

Để đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đối với học sinh, sinh viên khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề miễn phí hoàn toàn; học nghề ra được ưu tiên tìm việc; số học sinh, sinh viên tiên tiến được đào tạo chất lượng cao miễn phí; giải pháp kết nối doanh nghiệp để tạo việc làm ngay sau khi ra trường (khoảng 85%)...

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và bản thân người học là ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu và khả năng học lên được học liên thông. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này".

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, phần lớn các trường Cao đẳng, Trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, có thực trạng, nhiều học sinh này do không thi được vào các trường Trung học Phổ thông công lập nên chọn học các trường Trung cấp với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Cho rằng "có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo Trung cấp nghề", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp của khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng. Gần đây, số học trung cấp nghề tăng do áp dụng nguyên tắc: Sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, học sinh vào thẳng trường nghề để vừa học văn hóa, vừa học nghề, khi ra trường vừa có bằng nghề, đồng thời tốt nghiệp Phổ thông Trung học theo các tiêu chuẩn, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Về việc có lãng phí không, chúng tôi cho rằng là không lãng phí", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng, nếu sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, sau đó mới vào học nghề sẽ mất thêm 3 năm. Việc vừa học nghề, vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, các học sinh, sinh viên thích ứng nhanh và thuận lợi hơn khi ra trường, có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chỉ thị 21) đã có kết luận vấn đề này. Các nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Canada... cũng áp dụng mô hình này.

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến đại biểu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phù hợp.

Quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập

Cho rằng thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu, mặc dù, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập và nếu không chấn chỉnh tình trạng này chính là một sự lãng phí.

“Ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay. Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương trong thời gian tới?”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đặt câu hỏi.

Tương tự, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nguyên nhân của việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành với địa phương cũng như giải pháp trong thời gian tới?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cách đây hơn 1 tháng, Ban cán sự Đảng của Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về tổng kết 10 năm Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21 có đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp. "Bên cạnh những bước tiến bộ, quy hoạch mạng lưới đào tạo còn rất nhiều bất cập. Hiện nay, trên cùng một địa bàn, có nhiều trường nghề khác nhau đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, trùng lặp, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong", Bộ trưởng nói.

Trong thời gian tới, để đào tạo nghề thực sự gắn với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng khẳng định, phải quyết liệt hơn trong dự báo cung cầu, chỉ đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng với các doanh nghiệp để học viên ra trường có việc làm.

Cho rằng hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong ngành nghề đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các trường nghề về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần: “việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu”. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, 63 tỉnh, thành phố đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; tổ chức sáp nhập các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc “3 trong 1”, “2 trong 1”; một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ, chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể được sắp xếp lại theo tinh thần, quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.