Trách nhiệm quảng bá tác phẩm báo chí

.

Khi các cơ quan báo chí đang dần tiến đến cơ chế tự chủ tài chính, thoát khỏi bao cấp thì vai trò của người làm báo cũng thay đổi cho phù hợp với quá trình phát triển. Nhà báo giờ đây không chỉ viết báo mà còn phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình trong việc quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội để tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng.

Ảnh minh họa: MAI ANH
Ảnh minh họa: MAI ANH

Có thể thấy rằng, những năm trước đây, hầu hết các phóng viên chỉ tập trung viết bài, nâng cao chất lượng nội dung mà chưa quan tâm đến khâu quảng bá và phát hành. Công việc này chủ yếu dành cho bộ phận chuyên trách phát hành và quảng cáo. Tuy nhiên, những năm gầy đây, khi các cơ quan báo chí hướng đến cơ chế tự chủ tài chính, cùng với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, những người làm báo có ý thức quảng bá tác phẩm báo chí của mình trên các nền tảng mạng xã hội hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Duy Cường, tạp chí điện tử Người đưa tin (cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, Ban biên tập không bắt buộc nhưng mỗi phóng viên tự ý thức được việc này. “Ở báo chúng tôi không chấm nhuận bút căn cứ trên lượt view như một số tờ báo khác mà có khung chấm nhuận bút định sẵn nên việc quảng bá tác phẩm của mình hoàn toàn do ý thức. Điều quan trọng là mình muốn thông tin mình viết đến với nhiều người hơn. Sau mỗi lần giới thiệu tác phẩm lên mạng xã hội thì những bài báo đều tăng cao lượt xem”, nhà báo Duy Cường giải thích.

Trước đây, khi nói tới mạng xã hội, nhiều người còn tỏ ra nghi ngại, thậm chí còn xem như “đối thủ”. Nhưng với tính năng vượt trội của mạng xã hội về sự tương tác mạnh mẽ, nhiều cơ quan báo chí khai thác môi trường truyền thông mới này như một nền tảng phát hành miễn phí và mang lại hiệu quả trong việc tiếp cận công chúng và tăng nguồn thu… Bên cạnh việc xây dựng các nền tảng mới như ứng dụng cho thiết bị di động, các cơ quan báo chí đã xem mạng xã hội là đối tác quan trọng trong việc nối dài cánh tay phát sóng, phát hành, tiếp cận độc giả của mình.

Hiện nay, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên (VTV8) là một trong những cơ quan báo chí thực hiện tốt điều này khi nhà đài có Tổ số chuyên trách về các nền tảng mạng xã hội để quảng bá kênh VTV8 trên mạng xã hội.

Nhà báo Trà Xuân Phương, phụ trách Bộ phận sản xuất nội dung số VTV8 cho biết, với xu thế khán giả không còn dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình tivi để xem các chương trình theo khung phát sóng cố định và sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, VTV8 xây dựng các kênh trên các nền tảng số và mạng xã hội như là điều tất yếu, từ đó giúp quảng bá hiệu quả các chương trình và thương hiệu của VTV8, dẫn người xem về các nội dung đầy đủ, độc quyền trên kênh VTV hoặc các nền tảng số của VTV.

Hiện nay, VTV8 có các trang của mình trên Facebook, Tiktok, Zalo, YouTube và 2 nền tảng sở hữu của VTV là VTVgo và trang web Vtv.vn. “Việc xây dựng các kênh trên mạng xã hội sẽ góp phần đưa thông tin kịp thời, nhanh nhạy, góp phần quảng bá các chương trình phát sóng trên kênh truyền hình chính thống, tăng thêm lượng người xem, tạo lợi thế vượt trội về hiệu quả thu quảng cáo.

Mặt khác với các tin, bài được biên tập lại từ các bản tin, các chuyên mục, các chương trình được đưa lên nền tảng số sẽ có những số liệu phân tích về đối tượng, thành phần, số lượng, giới tính… của người xem để có những định hướng và cách thể hiện phù hợp. Dựa trên số liệu minh bạch, cụ thể từ mạng xã hội và phân tích các hoạt động tương tác của khán giả... thực hiện đo lường, đánh giá để thể hiện rõ hiệu quả quảng bá của các chương trình truyền hình của VTV trên mạng xã hội”, nhà báo Trà Xuân Phương nhấn mạnh.

Song song đó, mạng xã hội cũng giúp các nhà báo tiếp nhận nguồn tư liệu, nguồn gợi ý đề tài, nguồn đánh giá, thẩm định chất lượng thông tin, từ đó xây dựng cho mình những tác phẩm báo chí có nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu của bạn đọc. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng mạng xã hội lớn trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận độc giả và độc giả tiếp cận báo chí thông qua nền tảng mạng xã hội.

Trên thực tế, thói quen tiếp nhận thông tin trên báo chí ngay trên mạng xã hội cũng đã hình thành trong thời gian qua nhờ các tính năng bình luận, chia sẻ những đề tài nóng, nổi bật mang tính thời sự. Thông qua đó, nhà báo có thể định hướng sản xuất tin, bài để mang đến bạn đọc những nội dung cần thiết và bổ ích, chứ không phải sản xuất nội dung mà mình có.

Tuy nhiên, so với sự phát triển chung của báo chí hiện nay, một số cơ quan báo địa phương vẫn còn mang tính bao cấp. Vẫn còn tình trạng phóng viên, nhà báo thờ ơ với việc ứng dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm của mình. Trong thời buổi mà các cơ quan báo chí đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số thì buộc những người làm báo cần phải thay đổi tư duy làm nghề từ mô hình cũ sang mô hình mới.

Về vấn đề này, nhà báo Hà Hải, tạp chí Thanh Tra (cơ quan báo chí của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra) khẳng định: “Mạng xã hội đã buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi cách suy nghĩ từ làm báo một chiều sang đối thoại hai chiều với độc giả. Việc khai thác mạng xã hội đối với báo chí không chỉ tạo ra các nền tảng mới để phát hành nội dung, mà còn tạo ra sân chơi để biến công chúng, từng thành viên mạng xã hội, thành kênh truyền thông thứ cấp của mình. Công chúng vừa là đối tượng phục vụ, vừa là người tiêu dùng tin tức của báo chí nhưng đồng thời lại là kênh phân phối, PR quảng cáo cho báo chí”.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.