Từ 13 đến 15-6 sẽ diễn ra phiên họp thường niên của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai tại Đà Nẵng

.

ĐNO - Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động nhiệm kỳ làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) của Việt Nam năm 2023, từ ngày 13-6 đến 15-6, tại thành phố Đà Nẵng, sẽ diễn ra phiên họp thường niên lần thứ 42 của ACDM cùng các phiên họp thường niên giữa ACDM với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều cuộc họp liên quan.

Một nhóm đại biểu khóa tập huấn lần thứ 14 về đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai của ASEAN (ASEAN-ERAT) diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 2-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một nhóm đại biểu tham gia khóa tập huấn lần thứ 14 về đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai của ASEAN (ASEAN-ERAT) diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 2-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối của Việt Nam tích cực tham gia hoạt động theo Hiệp định ASEAN về quản lý thảm hoạ và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và Hiệp định thành lập Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và uy tín cao trong khối ASEAN. Năm 2023 là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch trong các hợp tác của ASEAN về quản lý thiên tai, một nội dung hợp tác quan trọng trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của hợp tác ASEAN.

Trước đó, trong năm 2022, Việt Nam đã đảm nhận và thực hiện thành công vai trò vai trò Phó Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM); Phó Chủ tịch Hội nghị các Bên tham gia Hiệp định AADMER; Phó Chủ tịch ACDM; Phó Chủ tịch Ban quản trị Trung tâm AHA.

Đóng góp của Việt Nam với vai trò Phó Chủ tịch của các cơ chế hợp tác nói trên trong năm 2022 được Ban thư ký ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN và Thái Lan (Chủ tịch ACDM năm 2022) ghi nhận và đánh giá cao.

Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam nhưng cũng giúp nước chủ nhà nâng cao vai trò, uy tín và vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đồng thời, tranh thủ được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu, từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Nội dung chính của các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ACDM là tập trung rà soát, đánh giá tiến độ triển khai chương trình công tác Hiệp định ASEAN về quản lý thảm hoạ và ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2021-2025; đề xuất những nội dung ưu tiên cũng như huy động nguồn lực hỗ trợ để thực hiện chương trình công tác Hiệp định AADMER.

Bên cạnh đó, điều chỉnh đóng góp cho quỹ của Trung tâm AHA; công tác vận hành Trung tâm AHA để hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN trong ứng phó thiên tai; công tác hợp tác giữa ACDM với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Đặc biệt, Việt Nam cũng tham gia điều phối công tác ứng phó với thiên tai lớn trong khu vực với vai trò Chủ tịch ACDM năm 2023.

Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban thư ký ASEAN, Trung tâm AHA và các quốc gia thành viên ASEAN tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN cùng một loạt các cuộc họp cấp kỹ thuật về quản lý thiên tai trong năm 2023 tại Việt Nam để triển khai Hiệp định AADMER.

Từ ngày 13-6 đến 16-6, tại Đà Nẵng, sẽ diễn ra phiên họp thường niên lần thứ 42 của ACDM; phiên họp của Ban điều hành Ban quản trị Trung tâm AHA lần thứ 18; diễn đàn ASEAN về chống chịu thiên tai (ADRP) lần thứ 3; phiên họp thường niên giữa ACDM với Trung Quốc (lần thứ 5), Nhật Bản (lần thứ 5), Hàn Quốc (lần thứ 4) và nhiều cuộc họp liên quan.

Vào ngày 16-6, các đại biểu tham gia các sự kiện nói trên cũng sẽ tham gia diễn tập hành động sớm trước thiên tai tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và tham quan rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ngãi.

Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN

“Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu, ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” là chủ đề do Việt Nam đề xuất và được cơ quan quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN thống nhất lựa chọn triển khai hợp tác khu vực về quản lý thiên tai năm 2023.

Hành động sớm là các hoạt động, biện pháp can thiệp ngay trong giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang chủ động triển khai dựa trên các dự báo, cảnh báo sớm hoặc phân tích rủi ro trước thiên tai.

Một chuyên viên Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng (bìa trái) tham gia diễn tập mô phỏng ứng phó các tình huống thiên tai, hỗ trợ nhân đạo vào tháng 2-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một chuyên viên Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng (bên trái) tham gia diễn tập mô phỏng ứng phó các tình huống thiên tai, hỗ trợ nhân đạo vào tháng 2-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Việc các quốc gia ASEAN ngày càng chú trọng tới hành động sớm và đã thể hiện thông qua sự gia tăng cam kết trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận trong công tác quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Nhiều số liệu thống kê cho thấy, hành động sớm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 tổ chức tại Quảng Ninh (Việt Nam) vào tháng 10-2023, các quốc gia sẽ thông qua Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN.

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc về châu Á - Thái Bình Dương, các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, thậm chí là động đất và sóng thần, đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hằng năm lên tới 86,5 tỷ USD.

Đông Nam Á ngày càng dễ bị tổn thương trước những đợt thiên tai vốn ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030.

Không ngừng đổi mới và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực quản lý thiên tai, ASEAN cũng cam kết hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN để trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về quản lý thiên tai thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với rủi ro thiên tai.

Đây cũng chính là nỗ lực của Việt Nam trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ACDM nói riêng và nỗ lực triển khai công tác hợp tác quản lý thiên tai ASEAN nói chung.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.