1. Hồ Chí Minh là nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của dân tộc và của Đảng ta. Tư tưởng và hành động cách mạng của Người trở thành hệ giá trị nền tảng định hướng, dẫn dắt tiến trình cách mạng nói chung, nền báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.
Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc (1951). (Ảnh tư liệu) |
Cũng như hầu hết các lãnh tụ cách mạng, từ rất sớm trong quá trình hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc đã học cách viết báo, làm báo. Những bài báo đầu tiên của Người, viết và xuất bản vào năm 1919, đều phản ánh trong đó: “Yêu sách của những người Việt Nam yêu nước”, vạch trần “Tâm địa thực dân”, nêu lên “Vấn đề bản xứ”…, để cùng tranh luận về con đường giành độc lập, tự do và dân chủ cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có Tổ quốc của Người.
Với tư cách Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa, Người đã sáng lập tờ báo Le Paria (năm 1922) và cùng đồng chí của mình viết “Lời kêu gọi” hô hào mọi người gia nhập hội và mua dài hạn báo này. Theo Nguyễn Ái Quốc, tờ báo này là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa và mục đích là đấu tranh “vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ”…
Báo Le Paria là công cụ sắc bén để “phò chính trừ tà” - bảo vệ và phát triển cái chính nghĩa, cái trung thực, cái đúng đắn và đấu tranh với những hành vi ăn cướp và bóc lột của thực dân, đế quốc - vạch trần tội ác của chế độ thực dân Pháp đối với thuộc địa, chia sẻ với nỗi khổ đau của những “người cùng khổ”; từ đó tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp lực lượng để giải phóng họ khỏi lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương, hữu ái.
Sự kiện Nguyễn Ái Quốc đứng ra tổ chức và ra báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (ngày 21-6-1925) và trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày, viết nhiều bài chính luận sắc bén trong 88 số đầu của tờ báo này không chỉ cho thấy tư tưởng của Người về ý nghĩa, tầm quan trọng của báo chí trong tiến trình vận động cách mạng Việt Nam mà còn khẳng định tầm vóc của Nguyễn Ái Quốc - nhà báo, người sáng lập và dẫn dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Là nhà cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời còn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng. Thấy rõ tầm quan trọng của báo chí, Người đã dành nhiều tâm huyết, nhiều thời gian cho hoạt động báo chí. Báo chí của Người đã đề cập đến nhiều vấn đề lớn của dân tộc và thời đại trên các mặt đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cuộc đời Hồ Chí Minh là một chuỗi những năm tháng vô cùng gian khổ, những thử thách khổ ải, tù đày, thậm chí thử thách do bị hiểu lầm, nhưng Người luôn kiên trì chân lý, giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, bình tĩnh, chủ động vượt qua những năm tháng khó khăn đó..
Báo chí thể hiện tâm nguyện và đức độ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - một tấm gương sáng cho đồng bào và chiến sĩ, dân tộc và nhân loại tiến bộ noi theo. Là một nhà lãnh đạo suốt đời vì dân, nỗi lo trong lòng Người chính là sự tự do, hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Người rất quan tâm và kịp thời cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nếu không được trau dồi về đạo đức, không kịp thời sửa chữa những thói hư tật xấu (bệnh quan liêu, bệnh kiêu ngạo, óc địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh ích kỷ...) thì sẽ gây ra tác hại khôn lường mà hứng chịu chính là người dân. Để khắc phục những khuyết điểm trên, Người yêu cầu “Sửa đổi lối làm việc của Đảng”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự sửa đổi, tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giữ gìn bản chất và kiên trì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức, tác phong gần gũi, sâu sát nhân dân. Người xác định rõ Đảng và Chính phủ phải tăng cường công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất và năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Là lãnh tụ hết lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân, Hồ Chí Minh luôn luôn tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, luôn luôn dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”. Người giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bởi “nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Để làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Người dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân, của “những người không quan trọng”, không được lên mặt “quan cách mạng”, cậy quyền cậy thế, đè đầu cưỡi cổ dân. Mặc dù uy tín rất cao, có sức hấp dẫn rất lớn, suy tôn là “Cha già của dân tộc” nhưng không bao giờ Người xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người coi việc phải gánh chức Chủ tịch cũng như việc “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mặt trận”. Nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân.
Ảnh: N.H |
2. Suốt 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, trở thành một lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa và không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, nền báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của nhân dân ta. Sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Tuy nhiên, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn”. Đáng quan ngại là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”. Trong tình hình đó, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, và để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, là diễn đàn của nhân dân…dĩ nhiên nền báo chí nước nhà có nhiều việc phải làm. Trong đó, từ định hướng được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, phải chăng cần ưu tiên các nội dung cơ bản sau:
Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cần có những bài viết sắc bén kịp thời phản ánh những thành tựu về công tác lý luận và thực tiễn “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” của Đảng và của đất nước ta; đủ năng lực phát hiện và có dũng khí, trách nhiệm chỉ ra những sai lầm trong nhận thức và hoạt động thực tiễn ở mọi cấp độ. Tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
...Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, nền báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của nhân dân ta... |
Báo chí cần tham gia vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực và đạo đức cách mạng của các cấp độ chủ thể. Chủ đề phản ánh tài năng, đạo đức của mỗi người, mỗi cộng đồng, tổ chức là “những điều mắt thấy tai nghe”, “những người tốt, việc tốt”, “những người, những việc vô cùng anh dũng, oanh liệt”... trong cuộc sống sinh động hằng ngày, hằng giờ diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu; những sự việc, con người có ý chí bền bỉ, tính năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao, làm việc có hiệu quả thiết thực… với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc.
Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Đi liền với việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ những người làm báo. Phải tạo lập môi trường dân chủ thực sự trong nội bộ tổ chức. Mỗi người làm báo cần học tập theo tư tưởng của Người: dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Từ môi trường dân chủ, tất yếu hình thành nên một đội ngũ người làm báo, đặc biệt là người đứng đầu có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức trong sáng, có năng lực nổi bật - dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Cũng từ trong môi trường thể chế dân chủ để thực hành biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham gia tích cực, có hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.
Làm tốt các việc trên là góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại... góp phần đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục.
PGS.TS HỒ TẤN SÁNG