Các đơn vị liên quan đã, đang thực hiện nhiều giải pháp đấu nối, thu gom, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải để hạn chế nước thải chảy ra sông Hàn và các bãi biển du lịch của thành phố nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị phục vụ người dân và du khách trong mùa du lịch hè.
Công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng khắc phục sự cố nước mưa lẫn nước thải tràn ra biển sau một trận mưa to trong tháng 5-2023 ở phía bắc bãi tắm Mân Thái. Ảnh: H.H |
Trong những ngày 11, 12, 24 và 28-5, trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có mưa vừa, mưa to, có lúc trời mưa với cường độ 20-40mm trong hai giờ, nhưng không có hiện tượng nước mưa lẫn nước thải tự phá các cánh cửa van của cửa xả Mỹ Khê (quận Sơn Trà). Trong khi đó, các cánh cửa van của hai cửa xả Mỹ An và phía bắc bãi tắm Phước Mỹ chỉ “trụ” được hai trận mưa xảy ra vào ngày 11 và 24-5, còn đối với trận mưa xảy ra vào ngày 12 và 28-5 thì cả hai cửa xả đều có một cửa van tự phá đập cát, mở cho nước mưa chảy ra bãi biển.
Sở dĩ các cửa xả nói trên thường hay phải tự mở các cánh cửa van khi trời mưa to làm mực nước dâng cao trong cống là nhằm tránh gây ngập úng cho khu vực dân cư ở các phường Phước Mỹ, An Hải Đông (quận Sơn Trà) và Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), đặc biệt là tránh tình trạng nước dâng ngập đường và tràn vào các tầng hầm khách sạn, khu thương mại - dịch vụ.
Các nhân viên của Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn (thuộc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng) chia sẻ, mỗi khi trời mưa đều có nhân viên túc trực tại đường Võ Nguyên Giáp để theo dõi, đánh giá cường độ mưa cũng như quan sát tình hình ngập nước. Đồng thời, tăng cường vận hành các máy bơm để bơm nước mưa lẫn nước thải về Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn nhiều nhất có thể.
Tuy nhiên, do nước mưa từ lưu vực rộng lớn cùng đổ dồn về các cửa xả ven biển nên mực nước trong cống dâng lên nhanh. Khi vượt quá cao trình mực nước đã được cài đặt, thông qua các cảm biến, hệ thống điều khiển sẽ tự động mở chốt cánh cửa van, nhưng do công nhân của đơn vị đã đắp bờ cát đằn các cánh cửa van ở bên ngoài nên các cánh cửa van sẽ chưa mở. Nước dâng cao thêm làm áp lực ở bên trong lớn hoặc có nhiều nước rỉ ra, phá vỡ các bờ cát làm nước mưa lẫn nước thải chảy tràn ra bãi biển để tránh gây ngập các khu dân cư và tầng hầm của các tòa nhà.
Khi hết mưa, các nhân viên của trạm tiến hành khắc phục sự cố môi trường. Hiện nay, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang triển khai xây dựng các đoạn cống đấu nối, chuyển nước mưa ở khu vực ngã ba đường Hồ Xuân Hương - Võ Nguyên Giáp và Hồ Xuân Hương - Ngũ Hành Sơn về sông Hàn, giảm thiểu tình trạng nước mưa lẫn nước thải chảy tràn ra bãi biển.
Trong khi đó, các trận mưa nói trên làm nhiều nước mưa lẫn nước thải chảy tràn ra các bãi biển thuộc phường Mân Thái và Thọ Quang (quận Sơn Trà) do các hạng mục, công trình thuộc dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà chưa hoàn thành và vận hành. Lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO (nhà thầu thi công dự án) cho biết đã hoàn thành phần khoan kích ngầm, lắp đặt tuyến ống thu gom nước thải. Cống thoát nước sau xử lý từ Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 ra âu thuyền Thọ Quang đã thi công thông tuyến, đang hoàn thiện phần đan đậy ở bên trên.
Đơn vị đang chuẩn bị hồ sơ để sớm được nghiệm thu các hạng mục, công trình. Ông Nguyễn Xuân Đinh, đại diện Văn phòng Công ty CP Kỹ thuật SEEN tại Đà Nẵng (đơn vị thi công Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2) cho hay: “Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để cuối tháng 5-2023, có thể thu gom nước thải khu vực ven biển Mân Thái, Thọ Quang đưa về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 để vận hành thử. Dù vận hành thử, nhưng sẽ giảm thiểu nước thải tràn ra các bãi biển”.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy cho biết: “Đơn vị đã phối hợp triển khai đấu nối hệ thống thu gom nước thải ven biển dọc đường Nguyễn Tất Thành vừa được xây dựng hoàn thành và bơm về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý.
Đồng thời, đấu nối hệ thống thu gom nước thải vào tuyến ống thu gom nước thải mới dọc đường 2 Tháng 9 (đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long) vừa được xây dựng hoàn thành và chuyển tải nước thải về Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân để xử lý, bảo đảm môi trường cho các bãi biển và dọc bờ tây sông Hàn”. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho hay, sở đã giao Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nghiên cứu và phối hợp với các ban quản lý dự án, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp để giảm thiểu tình trạng nước thải tràn ra biển.
Ưu tiên không tiết giảm điện năng các trạm bơm và xử lý nước thải Sở Xây dựng vừa đề nghị Sở Công Thương ưu tiên không tiết giảm điện nặng đối với các lĩnh vực, hạng mục, công trình thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, các hạng mục sử dụng điện năng chủ yếu trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải là vận hành các trạm xử lý nước thải và trạm bơm nước thải. Do phụ thuộc vào trữ lượng nước thải đô thị phát sinh được bơm dẫn về trạm xử lý nước thải và phải được vận hành thường xuyên, liên tục nên các trạm xử lý nước thải và trạm bơm nước thải cần được ưu tiên không tiết giảm điện năng, bảo đảm không để nước thải tràn ra ao hồ, sông, biển... gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. |
HOÀNG HIỆP