Chiều 24-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội về tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Không đưa ra các phương pháp định giá đất
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình đã thể hiện rõ quan điểm của cơ quan soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về các vấn đề có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các đại biểu tập trung thảo luận về quy định lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện; phương án lựa chọn một số chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia quan trọng (đất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất an ninh - quốc phòng, đất ở…); tiêu chí xác định quy mô, tầm quan trọng của dự án để áp dụng phương thức đấu giá hay đấu thầu quyền sử dụng đất. Một số ý kiến thảo luận về yêu cầu đặt ra đối với công tác định giá đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc; quy trình, thủ tục khi thực hiện dự án lấn biển; chính sách quản lý đất đai tại các khu kinh tế, khu chế xuất, đơn vị hành chính đặc biệt…
Đáng chú ý, các đại biểu thống nhất cao, không đưa ra các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật, cần căn cứ vào trường hợp cụ thể để áp dụng phương pháp phù hợp, bảo đảm xác định giá trị đất đai sát với thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, để bảo đảm định giá đất chính xác, cần xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai đầy đủ, nâng cao năng lực của cán bộ địa phương, tham khảo kinh nghiệm những quốc gia có chế độ đất đai tương đồng. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị có quy định rõ ràng đối với việc giao quyền sử dụng đất cho dự án theo hình thức đấu giá, đấu thầu hay thỏa thuận để các địa phương triển khai thuận lợi.
Để có thêm quỹ đất ở, đất sản xuất hỗ trợ đồng bào dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề xuất phương án tạo quỹ đất từ đất nông, lâm trường. Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc cần căn cứ vào địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn như quy định trong dự thảo Luật hiện nay.
Các đại biểu đã trao đổi thêm về một số vấn đề như: Mối quan hệ giữa các quy hoạch khác nhau, kế hoạch sử dụng đất đai; cơ chế thu tiền sử dụng đất hàng năm của doanh nghiệp; thẩm quyền thu hồi, giao đất quốc phòng, an ninh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an được giao đất ở không qua đấu giá, đấu thầu…
Xây dựng một đạo luật có tính thực tiễn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Nhấn mạnh tinh thần tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến “phút cuối cùng”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, thể chế hóa các chủ trương lớn của Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Chính phủ có trách nhiệm cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội trao đổi cặn kẽ mọi ý kiến để tiếp thu, hoàn thiện.
“Thậm chí những vấn đề chưa đưa vào luật nhưng thực tiễn đặt ra thấy cần thiết, mạnh dạn nghiên cứu, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một đạo luật có tính thực tiễn, sức sống và tầm nhìn”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xác định một số chỉ tiêu đất đai quan trọng, mang tính ổn định như đất lúa, đất rừng, khu vực bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dân cư đã phát triển ổn định… Những chỉ tiêu khác được xác định theo thị trường, phân cấp cho địa phương để thực hiện hiệu quả hơn, từ đó bảo đảm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai "vừa tĩnh, vừa động".
Phó Thủ tướng lưu ý, các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
Nhấn mạnh hoạt động thu hồi đất đai, tái định cư có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội cũng như nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng, phải có quy trình, thủ tục chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi trên cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện được điều chỉnh linh hoạt.
Phó Thủ tướng nêu rõ, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc là vấn đề lớn, đã được nhận thức tương đối rõ trong dự thảo Luật. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc phải theo tiêu chí về địa bàn, khu vực cụ thể, quan tâm chế độ sử dụng đất hợp lý để bảo về nguồn tư liệu sản xuất nhưng không vi phạm các quyền lợi hợp pháp của người dân.
Về quy định các dự án lấn biển, Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo Luật hướng đến quản lý hoạt động này cần chặt chẽ hơn, nhất là bảo vệ môi trường; đồng thời phải khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội cùng nhà nước phát triển quỹ đất quốc gia.
Liên quan đến phương pháp định giá đất, Phó Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào cho các phương pháp định giá đất. “Việc áp dụng các phương pháp định giá tùy thuộc vào từng trường hợp, tình huống khác nhau. Tuy nhiên, nếu số liệu đầu vào chính xác, áp dụng phương pháp nào cũng cho ra kết quả như nhau. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định về mặt nguyên tắc, yêu cầu đặt ra đối với định giá đất đai phù hợp với giá trị thị trường, khách quan nhất có thể”, Phó Thủ tướng nói.
Cho ý kiến về thực hiện đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng cần đổi mới tư duy, hướng tiếp cận theo hướng tính toán giá trị tổng thể của dự án mang lại cho xã hội thay vì số tiền thu được sau khi đấu giá. “Cùng một khu đất nhưng đấu thầu, đấu giá để xây công trình văn hóa, bệnh viện, trường học không thể giống như dự án nhà ở, trung tâm thương mại”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến đóng góp về làm rõ một số khái niệm như đất sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch…; phương án đấu thầu, đấu giá, giao quyền sử dụng đất đối với các thửa đất xen kẽ ở khu đô thị; tiêu chí xác định dự án trọng điểm; chú trọng mối quan hệ giữa Luật Đất đai với các luật, chính sách quản lý khác; tăng cường phân cấp cho địa phương trong quản lý đất nông nghiệp, đất rừng; chú ý mối quan hệ giữa quản lý đất đai với quy định pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản…
Theo Baotintuc.vn