Đề xuất xây dựng lộ trình bán nhà ở xã hội cho người đang thuê

.

ĐNO - Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường, tổ đại biểu quận Thanh Khê và đại biểu Lê Văn Dũng, tổ đại biểu quận Hải Châu trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 18-7. Tham dự phiên thảo luận có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Văn Quảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì phiên thảo luận vào sáng 18-7. Ảnh: PV
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì phiên thảo luận vào sáng 18-7. Ảnh: PV

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Lê Mậu Cường, tính đến tháng 5-2023, thành phố đã hoàn thành 15.213 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên. Đối với vốn ngân sách Nhà nước đã hoàn thành 39 dự án chung cư với 10.579 căn hộ và 2 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.146 phòng…

Đối với vốn ngoài ngân sách Nhà nước đã triển khai 9 dự án với 7.511 căn hộ; đồng thời đang tiếp tục triển khai kêu gọi đầu tư 4 dự án với khoảng 3.500 căn hộ.

Riêng đối với kết quả phát triển nhà ở công nhân các khu công nghiệp thì tính đến nay dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh đã hoàn thành 950/ 1.496 căn hộ nhà ở xã hội. Dự án nhà ở công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (chuyển đổi công năng từ 2 Khu KTX sinh viên tập trung phía Tây và phía Tây mở rộng) gồm 728 căn hộ, hiện đã cơ bản hoàn thành, thành phố đã có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng sang nhà ở công nhân.

Theo ĐB Cường, với quỹ nhà ở xã hội đã hoàn thành và dự kiến đầu tư xây dựng trong thời gian đến sẽ cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải có giải pháp phù hợp để thực hiện như quy định bắt buộc về việc bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại; bất cập trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách…

Mặt khác, hiện quy định hiện hành chỉ cho phép Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, cho thuê mua; trường hợp muốn bán nhà ở xã hội để tái đầu tư nhà ở xã hội khác (không được thu hồi vốn đầu tư ban đầu) phải lập Đề án báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường tham gia thảo luận về vấn đề nhà ở xã hội. Ảnh: PV
Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường tham gia thảo luận về vấn đề nhà ở xã hội. Ảnh: PV

“Để đạt được mục tiêu đã đề ra, đáp ứng được nhu câu nhà ở xã hội cho đối tượng yếu thế, đối tượng thụ hưởng chính sách, góp phân vào mục tiêu “1 triệu căn hộ” của Chính phủ, đồng thời đây cũng là mục tiêu Chương trình “3 có” của thành phố. Trước hết, thành phố cần kiến nghị Quốc hội để điều chỉnh Luật Nhà ở năm 2014 về việc dành quỹ đất 20% diện tích đất ở trong các dự án phát triển đô thị theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh trong quá trình lập các đồ án quy hoạch để xem xét bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phù hợp. Đồng thời, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng cần xem xét, phân cấp cho UBND thành phố tự xây dựng Đề án và chịu trách nhiệm trong việc triên khai thực hiện”, ĐB Cường đề nghị.

ĐB Nguyễn Lê Mậu Cường cũng đề nghị thành phố cần xây dựng giải pháp cụ thể, tận dụng tối đa nguồn lực 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng nhà nước về phát triển nhà ở xã hội theo quy định. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư từ nhà đầu tư tư nhân; đầu tư nguồn lực từ ngân sách thì cân nhắc tùy theo từng thời điểm phù hợp…

Theo ĐB Lê Văn Dũng, hiện nay quy chế quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước và tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn chưa đầy đủ; chưa điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng.

Do vậy, cần kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát, bổ sung quy chế quản lý, sử dụng, xử lý vi phạm nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và mô hình tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

ĐB Dũng cho biết, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nhu cầu xin thuê, xin mua nhà ở xã hội rất lớn, nhất là các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, đề nghị thành phố sớm nghiên cứu lộ trình giải quyết bán nhà cho các hộ đang thuê, đang ở để thu hồi ngân sách nhằm tái đầu tư nhà ở xã hội khác; hoặc giải quyết các thủ tục cho những đối tượng này được mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư sắp hoàn thành trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Liên quan đến đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của thành phố và được đánh giá là là địa phương làm tốt công tác này.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, hiện toàn thành phố có 12.000 căn hộ trên tổng số15.000 căn hộ của cả nước, chiếm tỷ lệ 82%.  Tuy nhiện, bên cạnh kết quả đạt được trong công tác phát triển nhà ở xã hội, vẫn còn những mặt còn hạn chế cần khắc phục theo kết luận của Đoàn giám sát của HĐND thành phố.

Trong đó, phải kể đến việc bố trí cho thuê nhà ở xã hội chưa đúng đối tượng, sai quy định. Riêng năm 2021 và 2022, qua rà soát, thành phố đã thực hiện thu hồi trên 800 căn hộ cho thuê sai quy định, không đủ điều kiện.

Các ĐB đề xuất cần xây dựng lộ trình bán nhà ở xã hội cho người đang thuê. Ảnh: PV
Các đại biểu đề xuất cần xây dựng lộ trình bán nhà ở xã hội cho người đang thuê. Ảnh: PV

“Để thực hiện chủ trương “5 không”, “3 có”, trong thời gian đến, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung quỹ đất để  xây dựng nhà ở xã hội trong quá trình thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố để triển khai xây dựng nhà ở xã hội có quy mô lớn.

Đặc biệt là ở những khu vực có khu công nghiệp, đáp ứng về nhà ở cho công nhân. Đối với các ý kiến của các đại biểu đề cập, thành phố sẽ tiếp thu và có kiến nghị với Bộ Xây dựng và các ngành liên quan xem xét”,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho hay.

Về vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì phiên thảo luận cho biết, trong những năm qua, thành phố đã dành nguồn kinh phí khá lớn, khoảng 3.500 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì hiện nay vẫn còn thiếu, bởi nhiều cử tri đề xuất thành phố nên dành một nguồn quỹ nhất định để giải quyết cho từng trường hợp khó khăn về nhà ở. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố tiếp thu ý kiến, xem xét đề xuất của các ĐB tại phiên thảo luận cũng như ý kiến của cử tri thành phố.

NHÓM PHÓNG VIÊN

;
;
.
.
.
.
.