Gần 50 năm đất nước yên bình, nhưng những ngày gian khổ trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc chẳng bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí người chiến sĩ cách mạng từng bước ra từ những nhà lao...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (bên phải) tặng bằng khen của UBND thành phố cho Hội Tù yêu nước thành phố tại lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” (1973-2023) và 30 năm ngày thành lập hội (9-6-1993 - 9-6-2023). Ảnh: L.H |
Chiến đấu nơi “địa ngục trần gian”
Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong suốt hai cuộc kháng chiến. Hàng nghìn chiến sĩ, người con yêu nước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì mảnh đất quê hương. Hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, chịu cảnh “địa ngục trần gian” tại các nhà tù khét tiếng như Chợ Cồn (kho Đạn), Hội An, Non Nước, Thừa Phủ, Phú Tài, Buôn Mê Thuột, Hố Nai, Cần Thơ, Côn Đảo, Đà Lạt, Phú Quốc… Nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn nêu cao khí chất bất khuất, trung thành tuyệt đối với cách mạng. Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Thân Vĩnh Vân cho biết, trong cuộc đấu tranh gian khổ, đầy ác liệt ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ và quần chúng yêu nước bị địch bắt tù đày. Nhà tù được ví như những “địa ngục trần gian”, là nơi giam hãm, đánh đập, tra tấn, hành hạ, truy bức, giết chết nhiều đồng chí, đồng bào ta. Đà Nẵng có hơn 6.000 người bị địch bắt tù đày. Đến nay, còn lại gần 3.100 người đang sinh sống và hoạt động trong tổ chức hội…
Theo các cựu tù yêu nước, những ngày tù ngục là những ngày mà một miếng cơm, ngụm nước, cọng rau xanh, viên thuốc, manh áo cũ sờn, chút khí trời cũng phải đổi bằng roi vọt, nhục hình, thậm chí cả máu xương. Kẻ thù bằng mọi cách bắt những người tù cách mạng phải khoanh tay, cúi đầu, chịu hèn, chịu nhục… Tuy nhiên, khi lý tưởng cách mạng và niềm tin chiến thắng tỏa sáng trong tim, các chiến sĩ cách mạnh thể hiện sự kiên cường vượt qua mọi cực hình tàn khốc. “Nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt chống bắt ly khai, ép buộc chiêu hồi đã nổ ra mà hình thức cao nhất là đấu tranh tuyệt thực dài ngày, tự mổ bụng ở các nhà lao, làm cho kẻ thù hung ác phải nể sợ trước sự can trường, bất khuất của những người tù cách mạng…”, cựu tù yêu nước Thân Vĩnh Vân cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Văn Đức Long cho biết, dù sống trong “địa ngục trần gian” của quân thù nhưng những chiến sĩ cách mạng không hề bi lụy, vẫn đầy lạc quan, yêu đời và vững niềm tin ở ngày mai thắng lợi. Họ vẫn hát ca, học hành và diễn thơ, nhạc mỗi lần xuân về, Tết đến. Đặc biệt, giữa vòng vây lớp lớp, bị kìm kẹp đến nghẹt thở, những người tù yêu nước vẫn có tổ chức Đảng, tổ chức đoàn, tổ chức đồng hương bí mật nhằm tập hợp, đoàn kết, thống nhất lực lượng để đấu tranh và tổ chức cuộc sống của mình…
Năm 1973, Hiệp định Paris về “chấp dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết, những chiến sĩ bị tù đày chiến thắng trở về. Nhiều chiến sĩ dù sức khỏe suy kiệt sau thời gian bị tù đày, nhưng sẵn sàng cầm súng ra chiến trường và không ít người đã ngã xuống. Tấm gương của các chiến sĩ đã trở thành di sản cách mạng quý giá thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung và ý chí chiến thắng, là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái, nhân văn
Trở về với thời bình, những chiến sĩ cách mạng tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Dù tuổi cao, sức yếu, chịu ảnh hưởng chất độc da cam, tù đày, tra tấn, nhưng hiện nay nhiều cựu tù yêu nước đang tích tham gia cấp ủy, ban ngành, đoàn thể tại khu dân cư; thể hiện phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng cống hiến sức mình vì sự phát triển của thành phố. “Thời gian qua, Hội Tù yêu nước thành phố tích cực phối hợp Đoàn thanh niên các cấp tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giao lưu và tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lý tưởng sống và hành động cao đẹp cho cán bộ, đảng viên của thành phố, nhất là đối với thế hệ trẻ”, ông Thân Vĩnh Vân nhấn mạnh.
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị thành phố, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhiều nỗ lực, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực; huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho công tác đền ơn đáp nghĩa. Ngoài các chế độ chính sách của Trung ương như trợ cấp hằng tháng, các hoạt động nghỉ ngơi, điều dưỡng hằng năm, thành phố hỗ trợ Hội Tù yêu nước 200 triệu đồng/năm từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, bệnh tật. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở…
Ngoài ra, 30 năm qua, Hội Tù yêu nước thành phố tích cực làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, chế độ, chính sách của cán bộ, hội viên và công tác “Nghĩa tình đồng đội”. Riêng từ năm 2011 đến nay, các cấp hội đã chi hơn 500 triệu đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Vận động trợ cấp, tặng sổ tiết kiệm trị giá hơn 775 triệu đồng cho các hội viên và đề nghị xây mới 200 căn nhà, sửa chữa 350 căn nhà cho hội viên khó khăn về nhà ở. “Có thể nói, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với cách mạng đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái, nhân văn”, cựu tù yêu nước Thân Vĩnh Vân nói.
LÊ HÙNG