KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (15-7-2003 - 15-7-2023)

20 năm, một dấu son tự hào để tiếp nối, đi lên

.

Kỷ niệm 20 năm thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng (15-7-2003 - 15-7-2023) là mốc thời gian rất đáng quý, đáng nhớ, đáng trân trọng của mỗi công chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển trong nhiều lĩnh vực, ngành đã khẳng định được vị trí, vai trò hết sức quan trọng, đóng góp trong quá trình phát triển thành phố, được lãnh đạo, nhân dân thành phố ghi nhận.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn (thứ 3, bên phải sang) tặng quà, động viên công nhân vận hành bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn (thứ 3, bên phải sang) tặng quà, động viên công nhân vận hành bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

20 năm qua, tài nguyên và môi trường là ngành chủ lực góp phần nâng cao giá trị đóng góp cho ngân sách, tạo nội lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần mở rộng không gian đô thị, đưa tài nguyên trở thành một nguồn lực kinh tế quan trọng của thành phố. Ngành đã từng bước tham mưu, hoàn thiện hệ thống các chính sách, pháp luật quan trọng về tài nguyên và môi trường trên địa bàn; tạo lập hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng cường phân cấp địa phương; hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo vệ môi trường phù hợp với từng giai đoạn; cải cách các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quản lý môi trường, biển đảo, tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, tư duy quản lý đã chuyển đổi từ tiếp cận bị động ứng phó - khắc phục sang chủ động phòng ngừa - kiểm soát. 20 năm qua, ngành luôn tiên phong, mạnh dạn đề ra từ rất sớm các mục tiêu gìn giữ chất lượng môi trường, tham mưu thành phố các giải pháp quản lý gắn với phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu được tích hợp trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án. Bằng cách làm này, mô hình đô thị phát triển bền vững, hướng tới đô thị sinh thái đã được các lãnh đạo thành phố rất quan tâm, thúc đẩy, làm tiền đề cho hàng loạt chính sách phát triển thành phố cho đến hiện nay và trong tương lai.

20 năm là dấu son tự hào của ngành tài nguyên và môi trường thành phố và tiếp nối, đi lên với nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của địa phương. Những kết quả này chỉ là khởi đầu nhỏ bé trong tiến trình phát triển, bởi còn rất nhiều vướng mắc, hạn chế, tồn tại của ngành vẫn chưa được giải quyết căn cơ; người dân, doanh nghiệp có rất nhiều phản ánh, khiếu kiện kéo dài… Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức luôn nảy sinh; những sức ép từ phát triển đô thị, nông thôn; tài nguyên nhỏ lẻ; khí hậu cực đoan; hệ sinh thái suy giảm...

Quản lý đô thị nói chung, quản lý tài nguyên và môi trường nói riêng vẫn là ngành chịu áp lực trước tiên. Cùng với đó, nhiều khái niệm mới được hình thành như: xu thế cân bằng để phát thải ròng bằng không (0); chuyển đổi xanh; chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang sạch, tái tạo; bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái... Vì thế, hơn ai hết, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành cần đồng lòng, chung sức để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành đáp ứng với quá trình phát triển thành phố trong tương lai.

Ngành lấy phương châm “đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển” làm nền tảng trong mọi công tác tham mưu; tiếp nối truyền thống đoàn kết, thắt chặt kỷ cương hành chính, đổi mới cách làm việc, mỗi công chức, mỗi đơn vị phải tự thay đổi, tư duy quản lý từ các công cụ hành chính truyền thống sang các công cụ quản trị mới, đặc biệt là tham mưu các chính sách không chỉ dừng ở vai trò quản lý, mà còn góp phần tạo động lực phát triển. Đồng thời, tiếp cận có trách nhiệm, hướng về địa phương, cơ sở, người dân, doanh nghiệp và chú trọng việc lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống để mạnh dạn đề xuất, tiếp tục tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong mỗi lĩnh vực. Chủ động đề xuất các giải pháp quản lý của ngành có tính dài hạn, tổng thể, hướng đến phát triển bền vững...

Có thể nhận thấy, những tồn tại kéo dài của ngành đến hiện nay chưa được giải quyết căn bản; còn nhiều đầu mối, nhiều sự vụ, sự việc; thông tin, dữ liệu chưa được đồng bộ, làm tiêu tốn nguồn lực... Do vậy, ngành cần có những giải pháp phát huy nguồn lực đất đai, phát triển hạ tầng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; sớm triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; dự báo được xu hướng về phát thải, gia tăng chất thải, am hiểu và sẵn sàng các giải pháp quản lý chất thải, nhất là chất thải rắn (rác), thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phù hợp với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, Chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia...

Ngành cũng cần tiếp tục hợp tác, huy động nhiều hơn nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật quốc tế có giá trị, chất lượng cao về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm khẳng định vị thế và mang lại cho thành phố những lợi ích “kép” từ cơ hội được đào tạo, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại… Ngành cũng chuyển đổi mạnh về nền tảng tài nguyên số, dữ liệu đất đai, viễn thám,..., tiếp tục cải cách, quy trình hóa các thủ tục hành chính trên môi trường mạng...

Kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường thành phố, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành tiếp bước, phát huy tinh thần nhiệt huyết của những đồng nghiệp đi trước để tiếp tục xây dựng và phát triển, hướng đến thành phố Đà Nẵng thịnh vượng.

PHẠM NAM SƠN
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố

;
;
.
.
.
.
.