Mặt trận thành phố phát huy đồng thuận nhân dân, tích cực tham gia xây dựng chính quyền

.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Mặt trận các cấp thành phố có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thu hút sự tham gia tích cực của người dân và đạt được nhiều kết quả. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân được thể hiện rõ nét hơn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam  thành phố Ngô Xuân Thắng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng.

Cử tri phấn khởi khi thành phố có nhiều khởi sắc

Nhân dân thành phố tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, thực hiện quyết liệt chủ đề năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn của thành phố ổn định; kinh tế - xã hội thành phố có nhiều khởi sắc, nhất là ngành dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Việc thành phố chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình, dự án trọng điểm và đưa vào hoạt động đã đáp ứng được sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Cử tri phấn khởi khi thành phố tiếp tục đặc biệt quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Hoạt động của UBND các cấp đáp ứng sự hài lòng của người dân, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; vui mừng khi thành phố tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh năm thứ ba liên tiếp.

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Thường trực HĐND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức Chương trình “Tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động”, “HĐND với cử tri lần thứ 4”. Qua đó, tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền thành phố, các ngành liên quan trong lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân. Nhân dân thành phố phấn khởi khi Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023 với chủ đề “‘Thế giới không khoảng cách” được tổ chức thành công sau ba năm tạm ngưng do ảnh hưởng của  Covid-19, sẽ tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp về một Đà Nẵng đáng sống, đáng đến, một thành phố năng động, bứt phá với nhiều cơ hội phục hồi và phát triển.

Cử tri và nhân dân thành phố mong muốn chính quyền thành phố cần hành động quyết liệt, xử lý triệt để hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn đã và đang đặt ra như: kinh tế của thành phố tuy có phát triển nhưng chậm và thiếu bền vững; sản xuất công nghiệp - xây dựng sụt giảm, thị trường xuất khẩu không thuận lợi; số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, còn nhiều vướng mắc; việc triển khai thủ tục đầu tư còn chậm; cơ sở dữ liệu về đất đai còn bất cập. Một số lĩnh vực tiến độ thu ngân sách giảm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tội phạm về kinh tế, trật tự xã hội có dấu hiệu gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập, nhất là việc thu gom rác thải sinh hoạt của hộ dân ở địa bàn nông thôn. Cử tri và nhân dân cũng rất quan tâm, lo lắng trước tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn của nhiều doanh nghiệp; số đơn hàng cắt giảm lớn, hoạt động đình trệ, thua lỗ; tình trạng nguyên nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng, chi phí dịch vụ hiện nay tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; việc làm, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút, đời sống của người lao động tiếp tục gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân bức xúc về việc mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở; một số ngân hàng thương mại hướng dẫn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm không minh bạch tạo nhiều rủi ro cho khách hàng... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư gửi đến cơ quan công quyền ngày càng nhiều.

Tích cực xây dựng chính quyền

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã chủ động, đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến và tổ chức 109 hội thảo, hội nghị thu nhận 1.970 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); hướng dẫn và tổ chức quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.  Đồng thời tổng hợp nhiều nội dung liên quan đến tình hình dư luận xã hội và tình hình nhân dân gửi đến các kỳ họp bất thường của Quốc hội; tổ chức 7 hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, 4 hội nghị tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; 2 hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; phối hợp tổ chức “Chương trình HĐND với cử tri lần thứ 4”; hướng dẫn Mặt trận các phường, xã tổ chức 55 hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp giữa năm 2023 của HĐND thành phố khóa X.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thành lập đoàn, tiến hành 2 đợt giám sát với 9 đơn vị về hoạt động của đại biểu dân cử. Sau giám sát đã tổng hợp và có văn bản kiến nghị 40 vấn đề mà cử tri quan tâm về hoạt động đại biểu dân cử đến HĐND, UBND thành phố; cử đại diện tham gia phối hợp giám sát với 7 đoàn giám sát; có văn bản tham gia góp ý vào 25  dự thảo văn bản, trong đó góp ý với hơn 12 dự thảo luật (sửa đổi) và dự thảo các nghị quyết của HĐND sửa đổi (bổ sung); các kế hoạch, dự án, quy chế, chính sách của địa phương như giáo dục, phòng chống tội phạm, công nghệ cao…; tiếp 5 lượt công dân; nhận xử lý 19 đơn thư công dân theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt tổ chức hội nghị phản biện xã hội về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, hướng dẫn kiện toàn 56 ban thanh tra nhân dân phường, xã; thành lập 61 ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đến nay, các ban thanh tra nhân dân đã tham gia 129 cuộc giám sát với các cơ quan hữu quan; tự tiến hành giám sát 133 cuộc, phát hiện 4 vụ việc có vi phạm. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức 91 cuộc giám sát các công trình, dự án, qua đó, phát hiện có 8 công trình, dự án phát hiện vi phạm thiếu sót, đã gửi 11 kiến nghị đến các cơ quan đơn vị thẩm quyền có liên quan, hiện đã khắc phục, giải quyết dứt điểm (trong đó có 24 công trình từ năm 2022 chuyển sang).

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị thành phố sớm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 sau hơn 2 năm thực hiện. Bên cạnh những ưu điểm, tích cực, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được phân tích, đánh giá; nhất là việc phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách; tạo điều kiện cho UBND các quận, phường chủ động giải quyết kịp thời các nhiệm vụ phát sinh, đột xuất diễn ra ở địa phương. Đề nghị thành phố có giải pháp hữu hiệu nhằm giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nhanh chóng các chính sách hỗ trợ đã ban hành để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đề nghị HĐND thành phố tạm thời chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản suất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ  trong bối cảnh doanh nghiệp thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến số lượng người lao động mất việc làm, thu nhập giảm sâu, đời sống rất khó khăn.

Qua giám sát, Mặt trận thành phố nhận thấy công tác phối hợp giữa UBND, các sở, ngành thành phố và cấp quận, phường trong thực hiện quy trình thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm dẫn đến khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục thì gần như việc triển khai thi công vào mùa mưa bão. Đề nghị UBND thành phố có giải pháp khắc phục cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng ngành liên quan đến công tác phối hợp thực hiện. Công tác lập quy hoạch phân khu chưa đảm bảo kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Một số công trình trọng điểm tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đề nghị UBND thành phố triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, năng lực tổ chức thi công của nhà thầu, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các hội đồng giải phóng mặt bằng, các ban quản lý dự án nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trên; có phương án xử lý, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai, chậm bàn giao, chậm đưa vào sử dụng; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri, tránh việc trả lời chung chung, không rõ ràng, không có lộ trình, thời gian hoàn thành…

Đề nghị lãnh đạo thành phố có giải pháp mạnh mẽ, khả khi trong hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường quản lý Nhà nước về giá cho thuê phòng trọ; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; có chính sách cho vay ưu đãi để hộ gia đình vay vốn cải tạo phòng trọ như tăng định mức vốn vay, giảm lãi suất, kéo dài thời gian vay, thủ tục vay đơn giản... Đề nghị thành phố có giải pháp nâng cao nhận thức, thông tin kịp thời, đầy đủ các hình thức tội phạm mới trong nhân dân; chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin cá nhân của người dân; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát tán, làm lộ lọt thông tin của cá nhân để tội phạm lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân góp phần ổn định trật tự xã hội, đem lại niềm tin cho nhân dân trong thời gian đến.

NGÔ XUÂN THẮNG
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

;
;
.
.
.
.
.