Tuần từ 10 – 16-7, các sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận là: Phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ 'Chuyến bay giải cứu'; các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình; đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 15 bị can; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hướng dẫn chi lương hưu mới từ 14-8...
Các bị cáo tại phiên toà trong ngày đầu tiên xét xử. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN |
Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ 'chuyến bay giải cứu'
Từ ngày 11-7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố: 21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điều 354 - Bộ luật Hình sự; 23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự. Một bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự. Một bị cáo bị truy tố về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ".
Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập khoảng 60 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 40 người làm chứng đến phiên tòa. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 11-7, nhiều người liên quan và người làm chứng vắng mặt. Hội đồng xét xử tuyên bố, nếu xét thấy cần thiết sẽ tiếp tục triệu tập những người này đến phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công bố tại phiên tòa, tháng 1-2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3-2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Đến tháng 4-2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (gọi chung là "Chuyến bay giải cứu").
Tháng 11-2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ, ngành (Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao), sau đó, bổ sung thêm Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.
Quy trình cấp phép các chuyến bay combo được thực hiện như sau: Doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự. Trên cơ sở hồ sơ này, Cục Lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các Bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.
Thực hiện chủ trương trên, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Khai tại tòa, nhiều bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và thừa nhận tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố đối với các bị cáo là đúng.
Đáng chú ý, đến chiều 14-7, tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) cho rằng mình bị oan và việc buộc tội bị cáo là "không có chứng cứ, chỉ dựa vào duy nhất lời khai một chiều để buộc tội". Bị cáo Hưng đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ mối liên hệ giữa việc buộc tội mình và các hành vi liên quan.
Sáng 17-7, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình
Ngày 15-7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS”.
Đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 15 bị can
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh và đề nghị truy tố các bị can trong vụ án.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Nguyễn Anh Dũng (anh trai bà Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Phúc Hưng) về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng tội danh, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can khác. Trong đó có hai bị can bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Lương Văn Tám (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án, Sở Y tế Quảng Ninh); Lê Thị Phú (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Quảng Ninh).
Theo kết luận, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, xây dựng, điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty AIC, các công ty thành viên và công ty do Nhàn thành lập để phục vụ cho việc đấu thầu. Trong tổ chức nội bộ Công ty AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo tạo lập các quy định, quy chế phân cấp, phân quyền cho các Phó Tổng Giám đốc và Trưởng các Ban phụ trách các khu vực khác nhau và theo một quy trình thống nhất từ khâu chuẩn bị phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, thực hiện hợp đồng, nghiệm thu. Đồng thời, các công ty trong hệ sinh thái do Nhàn thành lập được sử dụng để tham gia dự thầu cho Công ty AIC.
Tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản Nhi, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao Nguyễn Hồng Sơn và Trương Thị Xuân Loan (Trưởng Ban Quản lý dự án 3) trực tiếp thực hiện dự án. Cơ quan điều tra xác định, Trương Thị Xuân Loan đã móc ngoặc với Nguyễn Đức Quang và Phạm Ngọc Dũng để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, giá trang thiết bị với mục đích xây dựng hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về đấu thầu.
Theo kết luận, Nguyễn Thị Thanh Nhàn biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để tham dự thầu nên đã chỉ đạo Đỗ Văn Sơn điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm gian lận trong đấu thầu. Không những vậy,Nhàn chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của AIC làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu.
Đối với hồ sơ dự thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người quyết định giá dự thầu, chỉ định công ty trúng thầu và quyết định tỷ lệ lợi nhuận của Công ty AIC và các công ty "quân xanh". Kết quả, Công ty AIC trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng hai gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh với tổng số tiền hơn 232 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Cũng theo kết luận, trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Văn Sơn, Trương Thị Xuân Loan, Nguyễn Thị Tích là những người trực tiếp thực hiện và chỉ đạo tại dự án bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân, đối phó, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Bộ LĐTBXH hướng dẫn chi lương hưu mới
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ban hành Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 42.
Thông tư 06/2023 của Bộ LĐTBXH nêu rõ mức điều chỉnh tăng thêm 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp của tháng 6 năm nay với người hưởng chế độ tính đến trước 1-1-2022.
Thông tư cũng nêu rõ: Ngày 14-8, Nghị định 42 mới có hiệu lực thi hành. Do đó tại kỳ lĩnh tháng 7, 8 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng vẫn nhận mức lương hưu, trợ cấp cũ. Việc chi trả theo mức hưởng mới và truy trả phần chênh lệch tăng thêm của tháng 7 và tháng 8 sẽ được thực hiện tại kỳ chi trả của tháng 9.
Theo Báo Tin tức