Nữ cựu chiến binh giàu lòng nhân ái

.

Bị thương tật hạng 4/4, nhưng nữ cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh vẫn nỗ lực vươn lên, làm nhiều việc có ý nghĩa cho xã hội.

Nữ cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh (bên trái) hỗ trợ vận chuyển gạo giúp người dân trong đợt Covid-19. Ảnh: C.A
Nữ cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh (bên trái) hỗ trợ vận chuyển gạo giúp người dân trong đợt Covid-19. Ảnh: C.A

Cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh (SN1958), sinh ra và lớn lên tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 1970, bà tham gia đội trinh sát huyện Đại Lộc,  hoạt động được 2 năm thì bị Tiểu đoàn 79 biệt động quân quận Thượng Đức bắt giam tại nhà tù Hội An. Sau đó, địch chuyển bà đến nhà tù Thủ Đức và nhà lao Thiếu nhi tại Đà Lạt đến hết năm 1972. Hết hạn tù, bà trở về Huyện đội Đại Lộc công tác. Năm 1974, bà tham gia chiến đấu giải phóng Thượng Đức và bị thương ở vai và đầu gối (thương binh hạng 4/4). Khi vết thương ổn định, bà được đơn vị cử đi học lớp quân y do Tỉnh đội Quảng Đà tổ chức. Hoàn thành lớp học, bà tiếp tục công tác tại đơn vị với nhiệm vụ quân y ở Huyện đội Đại Lộc.

Năm 1988, vết thương tái phát, bà xin nghỉ hưu về sinh sống tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Với nghề y học được trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, bà mở phòng khám đông y chuyên chữa trị các bệnh tê nhức toàn thân, tê tay tê chân không cảm giác,... Năm 2000, bà chuyển về thường trú tại khu dân cư Hòa Phú 1A, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và tiếp tục mở phòng khám chữa bệnh đông y tại nhà.

Trở về đời thường, vận dụng những kiến thức đã học ở trường quân y, cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh vẫn miệt mài chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Những trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bà không lấy tiền điều trị bệnh. “Đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh éo le, kém may mắn, tôi khám, chữa bệnh miễn phí, không lấy tiền thuốc. Mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên, khỏi bệnh tôi thấy rất vui và đây chính động lực để cố gắng không ngừng nghỉ trong những năm qua”, bà Kim Anh chia sẻ.

Trong quá trình sinh sống tại địa phương, bà  Kim Anh còn nhận cảm hóa, giúp đỡ thanh niên nghiện ma túy trên địa bàn. Năm 2016, biết N.M.P (trú thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nghiện ma tuý, bà gặp gỡ gia đình thuyết phục đưa P. về nhà bà cai nghiện. Sau một năm được giúp đỡ tích cực, P. đã cai nghiện ma túy thành công, rồi lập gia đình riêng và chí thú làm ăn, tránh xa ma túy.

Trong hai năm 2020, 2021 bà Kim Anh tiếp tục nhận hai thanh niên H.N.B và H.N.H nghiện ma túy về nhà mình cai nghiện. Sau thời gian nỗ lực giúp đỡ về tinh thần và cho dùng thuốc nam, hai thanh niên đã hết nghiện. Đáng mừng hơn, H. hiện là công nhân của một nhà máy sản xuất đồ sứ tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) và có thu nhập ổn định. Còn B. đang học nghề cắt tóc.

Với tấm lòng cao cả của một cựu chiến binh, mong muốn đóng góp sức lực của mình để đem đến cho cộng đồng những điều tốt đẹp nhất, hằng năm bà Kim Anh bỏ tiền túi ủng hộ thực phẩm giúp người dân bị thiệt hại do bão lũ, thiên tai. Năm 2020 và 2021, khi Covid-19 bùng phát, người dân hạn chế ra khỏi nhà, bà đã tham gia trực chốt phòng, chống dịch tại khu dân cư, nấu ăn miễn phí để chia sẻ đến người dân khó khăn.

Dù những vết thương trên người thường đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh vẫn luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, làm nhiều việc ý nghĩa cho đời. Nhờ những thành tích nổi bật đóng góp trong các phong trào địa phương, những năm qua, cựu chiến binh Trương Thị Kim Anh vinh dự được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố tặng nhiều bằng khen.

CHÂU ANH

;
;
.
.
.
.
.