ĐNO - Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện 5 giai đoạn trong điều trị, cai nghiện cho học viên theo phác đồ quy định, Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Cơ sở) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, trong đó, phải kể đến văn hóa đọc - món ăn tinh thần không thể thiếu đối với học viên cai nghiện sau những giờ học tập, lao động.
Học viên cai nghiện tham gia Ngày hội văn hóa đọc “Ánh sáng tri thức” do Thư viện thành phố phối hợp với Cơ sở xã hội Bầu Bàng tổ chức. |
Tìm thấy... bài học làm người
Ngoài thời gian học tập, lao động, thư viện là địa chỉ được các học viên thường xuyên tìm đến. Học viên Nh. (21 tuổi, ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) cho biết: “Em thường tìm những cuốn sách có giá trị trong cuộc sống như các cuốn về tác hại của việc sử dụng ma túy hoặc sách dạy chăm sóc sức khỏe, phát triển tâm lý, nhân cách. Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa từng loại sách, song cũng thấm một phần, để tự trau dồi và tiếp thêm sức cho mình rèn rũa, cố gắng chữa bệnh, hoàn thiện bản thân để cai nghiện tốt, sớm về với gia đình và trở thành người có ích”.
Tại thư viện của Cơ sở, học viên H. (ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) đang tìm cuốn sách “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie mà anh tâm đắc. Ôm cuốn sách vào ngực như cậu học trò ham học, H. cho biết: “Em từng chấp hành án phạt 13 tháng tù tại Quảng Trị vào năm 2020. Ra tù, buồn chán, em sử dụng ma túy và vào Cơ sở cai nghiện được hơn 4 tháng. Gia đình thường xuyên lên thăm và động viên em cố gắng vượt qua để làm một người bình thường. Ở Cơ sở, sau những giờ lao động, học tập em thường hay xuống thư viện mượn sách về phòng đọc”.
Lật tìm những cuốn sách pháp luật trên kệ sách, học viên L. (ở quận Thanh Khê) chia sẻ “Vì thiếu hiểu biết mà trước kia em đã sử dụng ma túy dẫn đến phải đi cai nghiện... Ngoài những cuốn tiểu thuyết, thỉnh thoảng tìm đọc sách pháp luật. Những kiến thức có được từ những trang sách sẽ giúp em thêm hiểu biết, để sau này khi cai nghiện xong trở về với cộng đồng em sẽ tránh làm những việc sai trái... Em còn đọc cả cuốn “Thức tỉnh mục đích sống” của tác giả Eckhart Tolle. Em nghiền ngẫm hằng đêm và như được gột rửa tâm hồn, thức tỉnh bản thân thực sự. Những điều tươi đẹp về cuộc sống, về con người qua từng trang sách đã thôi thúc em phải nuôi niềm tin, khát vọng làm lại cuộc đời”.
Cùng suy nghĩ như học viên L., học viên Ng Th H (quê Thừa Thiên - Huế) thì lại luôn mặc cảm, tự ti với những sai lầm trước kia của mình. Được các cán bộ quản lý động viên, H dần thức tỉnh, thoát ra khỏi sự tuyệt vọng. H cho hay: “Ngoài thời gian lao động, mỗi tuần em đều tìm đến đọc sách từ 2-3 lần. Qua từng trang sách, em tìm thấy cho mình những bài học làm người, hướng đến cuộc sống lương thiện... Trong số các đầu sách đã đọc, em thấy tâm đắc nhất là cuốn "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng". Chính câu nói “Không bao giờ là quá muộn để gột sạch những quá khứ đau thương và làm lại từ đầu” đã tiếp thêm cho em niềm tin, hy vọng”.
Thạc sĩ Võ Thị Huyền Trang, cán bộ phụ trách thư viện cho biết: “Với những người nghiện ma túy, khi ở ngoài xã hội, việc tìm đọc một cuốn sách dường như là một chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, việc đọc sách là hoạt động thường xuyên đối với mỗi học viên ở đây, nhìn thấy các học viên tiến bộ chúng tôi rất hạnh phúc. Văn hóa đọc ở đây đã phần nào giúp cho học viên có thêm tri thức, nghị lực, niềm tin để đoạn tuyệt với ma túy”.
Phong phú đời sống tinh thần của học viên
Ngoài thư viện lớn đặt tại Khu Giáo dục - Dạy nghề với hơn 1.000 đầu sách, Cơ sở xã hội Bầu Bàng còn bố trí ở mỗi Ban Quản giáo, Ban Quản lý một phòng đọc sách với hơn 100 đầu sách với nhiều thể loại, trong đó, chủ yếu là sách hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, pháp luật, tâm lý, rèn luyện kỹ năng sống cùng các tiểu thuyết, truyện ngắn... Ngoài giờ lao động, học tập, học viên đều có thể đến phòng đọc sách để đọc. Những học viên có nhu cầu đều được cán bộ tạo điều kiện cho mượn sách về đọc tại phòng ở.
Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, cho biết: “Cùng với nhiều hình thức quản lý và giáo dục khác, Ban Giám đốc luôn coi trọng vai trò của sách. Cơ sở thường xuyên mua sắm mới để bổ sung vào thư viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm và thường xuyên trao tặng, do đó, nguồn sách của Cơ sở luôn dồi dào, với nhiều thể loại phong phú và đa dạng”.
Cũng theo ông Dũng, việc tạo điều kiện cho học viên cai nghiện ma túy đọc sách đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ công tác giáo dục, rèn luyện, học tập của học viên và đây cũng là một kênh thông tin hữu ích để học viên học tập, rèn giũa bản thân trong quá trình cai nghiện. Qua đó, nhiều học viên đã tìm thấy những điều bổ ích từ sách, báo, để khi trở về với cộng đồng các em sẽ biết cân nhắc, điều chỉnh hành vi của mình sao cho đúng chuẩn mực để sớm từ bỏ ma túy.
Để đa dạng nguồn sách và thông tin đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nâng cao văn hóa đọc cho học viên, Cơ sở xã hội Bầu Bàng phối hợp Thư viện thành phố tổ chức trao đổi, luân chuyển sách và tổ chức “Ngày hội văn hóa đọc” cho học viên. Bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc thư viện thành phố chia sẻ: “Bên cạnh những độc giả khác, thư viện thành phố rất quan tâm đến học viên cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Hằng năm, thư viện thành phố luân chuyển, đổi mới từ 500 đến 700 đầu sách các loại để Cơ sở phục vụ nhu cầu đọc sách của học viên. Cùng với việc luân chuyển sách, thư viện thành phố còn tổ chức thư viện lưu động “ánh sáng tri thức” để giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần cho học viên cai nghiện mỗi năm một lần. Hy vọng những hoạt động này sẽ mang đến sự trải nghiệm và góp phần nâng cao nhận thức, hành vi tốt đẹp giúp các em cai nghiện tốt hơn”.
Bên cạnh việc nâng cao văn hóa đọc, Cơ sở xã hội Bầu Bàng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tăng cường thể lực, giúp cho học viên lấy lại tinh thần, có thêm quyết tâm từ bỏ quá khứ lỗi lầm, trở thành người có ích.
ÁNH LINH