Những nội dung mới trong Nghị định về tinh giản biên chế gồm: Đối tượng thực hiện; chính sách tinh giản biên chế; thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết chính sách tinh giản biên chế.
Ngày 03-6-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10-12-2020) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-7-2023. Trong đó có những điểm mới.
Thứ nhất, về đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW ngày 08-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 về tiếp tục thực hiện chủ trương, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Nghị định đã bổ sung các đối tượng sau:
Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý (phù hợp với Thông báo số 20-KL/TW).
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15).
Theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương và để tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị bổ sung người thay thế nhằm nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định đã bổ sung các đối tượng sau:
Cán bộ, công chức, viên chức trong năm trước liền kề được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ, tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Cán bộ, công chức, viên chức trong năm xét tinh giản biên chế được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống, tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Cán bộ, công chức, viên chức trong năm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Thứ hai, về chính sách tinh giản biên chế
Một là, về chính sách nghỉ hưu trước tuổi
Việc xác định tuổi hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo tuổi nghỉ hưu thực tế cả từng người (quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.
Hai là, bổ sung 02 chính sách nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ việc ngay theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15, cụ thể:
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Điều kiện hưởng chính sách: (1) Có tuổi đời thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; (2) Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
Về chính sách: Ngoài hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội còn được hưởng các chính sách sau:
(1) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu;
(2) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính, ngoài hưởng một trong các chính sách như các trường hợp tinh giản biên chế khác thì được hưởng thêm mức trợ cấp như sau:
Đối với cán bộ: Nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng;
Nếu nghỉ sau 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng;
Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Đối với công chức, viên chức: Nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng;
Nếu nghỉ sau 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng mức trợ cấp bằng 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng;
Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp như sau:
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên;
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Thứ ba, về thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết chính sách tinh giản biên chế:
Thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10-01-2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Nghị định đã phân cấp triệt để, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xem xét, phê duyệt và quyết định thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn