Ngày 12-7, Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khoá V đã diễn ra tại Hà Nội. Kế thừa, phát huy thành tựu những nhiệm kỳ trước, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển. Theo nhận định của Hội Xuất bản Việt Nam, gần đây xuất hiện nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, đặc biệt là xuất bản gắn liền với phát hành sách nói, sách ngắn.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Đại hội. |
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: “Đối với lĩnh vực xuất bản, Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ cần: Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá; khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hóa; đồng thời triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng yếu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định trong Thư gửi Ngành Nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành Xuất bản: “Giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính định hướng, vừa để khẳng định vai trò của xuất bản với tư cách là thành tố của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, qua đó giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, trong giai đoạn tới, để Hội có thể khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, trước mắt là đóng góp tích cực vào Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW Về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản vào năm 2024; tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng về hoạt động xuất bản và sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản 2012; bảo đảm phát triển tốt đi đôi với chỉ đạo, quản lý tốt.
“Hội đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược của phát triển đất nước mà Đại hội XIII nêu ra là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21-4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa; không chỉ ở trong nước mà cho kiều bào và bạn bè quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông sách Quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.
Quang cảnh Đại hội. |
Trong 5 năm qua, ngành Xuất bản cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Giá giấy và vật tư in ấn tăng cao, nhiều tỉnh thành bị giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, công ty sách bị đình trệ, chuỗi dịch vụ bị đứt gãy. Nhiều cửa hàng sách truyền thống buộc phải dừng hoạt động, doanh thu sụt giảm trong điều kiện vẫn phải trang trải chi phí tiền lương, thuê mặt bằng…; đời sống của người lao động trong ngành Xuất bản gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, trong hơn 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng, ngành Xuất bản có những thuận lợi cơ bản khi thể chế, chính sách quản lý hoạt động xuất bản ngày càng hoàn thiện, năng lực và tiềm lực toàn ngành được nâng lên một bước; sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân đối với văn hóa đọc có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ sau khi có quyết định của Thủ tướng năm 2014 lấy ngày 21-4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam và Luật Thư viện năm 2019 lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Toàn ngành đã có những nỗ lực lớn, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận.
Trong những năm 2017 đến 2022, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Chỉ lấy số liệu của hai năm gần đây, cho thấy, so với năm 2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu năm 2022 là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,2%), gồm 598.938.423 bản (tăng 49,5%). Cũng so với năm 2021, xuất bản phẩm dạng sách in năm 2022 là 32.645 cuốn (tăng 11,5%), xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6 %) với khoảng 32.500.000 bản (tăng 30%) và các xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…) đạt 2.034 xuất bản phẩm (tăng 48%) với 26.501.152 bản (tăng 3,4%).
Những năm gần đây, số lượng xuất bản phẩm và số bản phát hành cũng như doanh thu, lợi nhuận của toàn ngành Xuất bản năm sau đạt cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành đạt ngưỡng trên 3000 tỷ đồng. Năm 2022, đã tăng lên hơn 3.994 tỷ đồng (tăng 33,3% so với 2021); lợi nhuận (sau thuế) đạt 429,483 tỷ đồng (tăng 11,8% so với 2021). Năm 2022, có 18/57 nhà xuất bản có mức tăng trưởng cao về doanh thu… Có được kết quả này là do các nhà xuất bản, các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã có bước chuyển biến tích cực, linh hoạt ứng phó với tình hình mới bằng việc chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh, tích cực ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, trong khi đầu tư của Đảng và Nhà nước về sách đặt hàng cũng được tăng cường.v.v…
Trong 5 năm qua, các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản đã cố gắng nắm bắt xu thế phát triển xuất bản hiện đại trên thế giới, rất nhanh nhạy trong việc khai thác và mua bản quyền, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhu cầu thị hiếu của bạn đọc… Sách được chọn lọc kỹ về nội dung và ngày càng được đầu tư nhiều hơn về hình thức, chất lượng in ấn, vì vậy sách mới trong những năm gần đây hình thức đẹp hơn, chất lượng nâng cao hơn. Một số đơn vị đã xuất bản thêm các phiên bản sách đẹp, giá trị cao, có số lượng giới hạn đáp ứng nhu cầu độc giả mua sách để sưu tầm. Các tựa sách thiếu nhi ngoài nội dung hay, hình thức đẹp, các hình ảnh minh họa còn có thể chuyển động, có âm thanh kích thích sự ham mê đọc sách của các bé. Các tựa sách thể loại manga comic, light novel còn có quà tặng kèm phù hợp với thị hiếu và xu hướng yêu thích của giới trẻ.
Các thể loại sách giáo dục, thiếu nhi, văn học, tâm lý kỹ năng, kinh tế,… được các đơn vị quan tâm xuất bản nhiều hơn. Công tác truyền thông cho sách cũng được các đơn vị xuất bản và phát hành đầu tư bài bản với nội dung phong phú, hình thức và phương thức tiếp cận độc giả đa dạng, hiệu quả. Sách mới, sách hot được đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội thay thế dần cho hình thức truyền thông trên báo giấy. Xuất hiện nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, đặc biệt là xuất bản gắn liền với phát hành sách nói, sách ngắn.
Tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành mới khoá V Hội Xuất bản Việt Nam. |
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống phát hành sách, đặc biệt là kinh doanh bán lẻ truyền thống, nhưng lại tạo cơ hội chưa từng có cho việc kinh doanh, phát hành sách trên các nền tảng, ứng dụng công nghệ mới. Các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Fahasa.com… có dịp tăng thêm được nhiều khách hàng mới và có doanh thu sách tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, các công ty, nhà sách lớn, chuyên nghiệp đã chủ động tối ưu hóa các nguồn lực, tập trung cải tiến quy trình quản trị, tích cực áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới theo mô hình hiện đại của thế giới kết hợp với tập quán văn hóa của Việt Nam, như: xây dựng không gian sách và trải nghiệm văn hóa đọc tại các siêu thị, các trung tâm du lịch - văn hóa có uy tín, có thương hiệu lớn; gắn mô hình nhà văn hóa ở khu vực nông thôn với tủ sách; đầu tư các ứng dụng công nghệ để tạo thêm các tiện ích cho khách hàng như tra cứu sách, trải nghiệm sách và mua sách qua mạng... để thu hút khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.
Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục tham mưu, tác động tích cực đến các cơ quan chức năng cho việc hình thành các chủ trương, chính sách góp phần phát triển hoạt động ngành Xuất bản và văn hoá đọc trong cộng đồng; Giải pháp để tăng cường hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc trong tình hình mới (thời kỳ hậu COVID); Phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; Đổi mới hoạt động xuất bản và phát hành sách trong điều kiện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hằng năm, Hội Xuất bản phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), thông qua Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục tổ chức tốt Giải thưởng Sách Quốc gia; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ khi tham gia Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại và Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì. Các nhà xuất bản và các cơ quan hữu quan khác, nghiên cứu và từng bước đổi mới, nâng cao chất quản lý và tích cực tham gia việc xuất bản lịch blốc hằng năm, vừa đảm bảo yếu tố văn hóa, vừa đảm bảo chính sách ưu tiên của Nhà nước gắn với phát triển thị trường lành mạnh.
Đại hội bầu ra 37 ủy viên ban chấp hành. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản trúng cử chức danh Chủ tich Hội Xuất bản Khoá V, nhiệm kỳ 2023-2028.
Theo Baotintuc.vn