ĐNO - Ngày 3-7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19-3-2012 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Huyện ủy Hòa Vang đồng chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19-3-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn cùng lãnh đạo các Ban của Thành ủy, HĐND thành phố và các sở, ngành của thành phố; Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2 bên trái sang) và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy,Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên phải) tham quan gian hàng trưng bày nông sản của huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 thôn kiểu mẫu
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày tại hội nghị, cho thấy 10 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự hỗ trợ của Ban Dân vận Thành ủy làm cầu nối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng đó là sự chung tay của Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các Quận ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các sở, ban ngành thành phố; sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến xã và sự đồng thuận, tham gia hưởng ứng của các tổ chức và nhân dân trên địa bàn huyện.
Hạ tầng kỹ thuật nông thôn phát triển nhanh, nhất là về giao thông, thủy lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Huyện Hòa Vang đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường có chuyển biến đáng kể; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được bảo đảm; chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng tốt hơn.
Cụ thể, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện bảo đảm công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo đảm 11/11 xã đạt tiêu chí quy hoạch trong giai đoạn 2012-2020.
Thành phố cũng đã tập trung nghiên cứu, rà soát, định hướng huyện Hòa Vang là khu vực phát triển mới của thành phố, hình thành một khu đô thị huyện lỵ huyện Hoà Vang và đưa ra các quy định cho khu vực nông thôn theo định hướng phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 10 năm qua, bằng nhiều nguồn lực, thành phố đã thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và kết nối mạng lưới giao thông của thành phố với địa phương với tổng số 892,695 km đường giao thông nông thôn; hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, bảo đảm tiêu chuẩn, phù hợp cùng cấp với kỹ thuật đường khai thác..., đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Hòa Vang được khang trang và có 8/11 xã được công nhận đô thị loại 5.
Thành phố cũng đầu tư nâng cấp, sữa chữa 80 công trình thủy lợi, bê tông kiên cố hóa 79,32 km kênh mương; diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 92%; hệ thống điện được đầu tư đồng bộ phù hợp với các quy hoạch phát triển điện lực thành phố Đà Nẵng, bảo đảm nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Hòa Vang đã cân đối và huy động các nguồn lực để đầu tư với 100% tuyến đường liên xã, liên thôn có điện chiếu sáng, gần 70% tuyến điện chiếu sáng ngõ xóm được đầu tư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây điểm nhấn mới trong đầu tư cơ sở hạ tầng của huyện góp phần phục vụ dân sinh, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
11 trung tâm văn hóa - thể thao xã được đầu tư xây dựng; 100 nhà văn hóa thôn được xây mới và nâng cấp; 13 chợ được nâng cấp và mở rộng; 11/11 xã đều được phủ mạng internet đến thôn, cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ internet.
Nhà ở của người dân cơ bản đạt tiêu chuẩn, trên địa bàn huyện không có nhà tạm, nhà dột nát; đến năm 2020, có 98,7% nhà ở kiên cố và bán kiên cố.
Thành phố cũng đã thực hiện các đề án phát triển kinh tế, sản xuất như đề án cải tạo vườn tạp; đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị giai đoạn 2016-2020; đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giai đoạn 2021-2025; đề án giảm chăn nuôi hộ gia đình, phát triển chăn nuôi tập trung;
Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại giai đoạn 2015-2020; đề án thực hiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo hướng đô thị trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025; đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ở thời điểm hiện nay, huyện Hòa Vang vừa bắt đầu phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả, đã góp phần đưa thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2022 đạt 56 triệu đồng/người và đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn thành phố) giảm từ 16,52% vào năm 2012 xuống còn 1,91% vào năm 2022; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt 98%.
Về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 11/11 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 5 xã (Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong); huyện Hòa Vang được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015; số thôn kiểu mẫu được công nhận là 22/113 thôn...
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Hơn 7.331 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Trong giai đoạn 2012-2022, thành phố đã huy động hơn 7.331 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới đối với huyện Hòa Vang. Ban Dân vận Thành uỷ đã chủ động phối hợp với Huyện uỷ Hoà Vang tổ chức các hội nghị ký kết giao ước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giữa các đơn vị, địa phương với huyện Hoà Vang. Theo đó có 40 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tham gia hỗ trợ 639,982 tỷ đồng.
Các sở, ngành đã huy động cán bộ công chức trong ngành, vận động các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ cũng như tích cực tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của các bộ ngành Trung ương để thực hiện đầu tư giúp đỡ Hòa Vang xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đóng góp của các sở, ngành trong 10 năm qua là 225,242 tỷ đồng.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngay từ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của cán bộ và nhân dân, trong đó người dân trên địa bàn huyện nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mình trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 178.000m2 đất, tiền của, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và hơn 21.000 ngày công lao động.
Huyện Hòa Vang đã ban hành các chỉ thị, chương trình hành động, chỉ đạo xây dựng các đề án xây dựng nông thôn mới, các đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo,.. trong từng giai đoạn; chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của các xã xây dựng nông thôn mới được nâng lên; các chủ trương, nghị quyết của Đảng được cụ thể hóa thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của địa phương. UBND huyện luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành tiến hành rà soát, hướng dẫn các xã tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2012-2022, Trung ương hỗ trợ kinh phí cho xây dựng nông thôn mới của thành phố là 465,79 tỷ đồng. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương còn hỗ trợ đầu tư nhiều chương trình, dự án lồng ghép, như xây dựng đê kè, sửa chữa nâng cấp hồ đập, kênh mương, nước sạch; các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc dự án nông thôn miền núi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU. Ảnh: VĂN HOÀNG |
100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai chương trình nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng nông nghiệp đô thị giàu bản sắc; tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo nguyên tắc “năm sau cao hơn năm trước”; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; bảo đảm huyện Hòa Vang đạt chuẩn đô thị loại 4 làm cơ sở để trình Chính phủ công nhận huyện Hòa Vang thành thị xã vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, thành phố phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 45,5% (5 xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm.
Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU. Ảnh: H.H |
HOÀNG HIỆP - VĂN HOÀNG