Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả và nỗi đau da cam vẫn còn hằn sâu lên các thế hệ nạn nhân da cam hôm nay, đặc biệt là những nạn nhân chất độc da cam phải chịu di chứng bởi chất độc này. Ở Việt Nam, với 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân chất độc da cam thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 và thứ 4, họ đang sống với những bệnh tật dày vò, dị dạng, tật nguyền, nhiều gia đình cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật. Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tri và trách nhiệm của mọi người.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tặng quà Tết Quý Mão 2023 cho nạn nhân chất độc da cam. |
Thành phố Đà Nẵng có hơn 5.000 người nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó 1.400 trẻ em, có 2.476 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 815 người là con cháu của họ là nạn nhân da cam và hơn 13.078 người dân nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn, luôn cần có sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần để cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam ngày càng đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ của toàn xã hội.
Trước những nỗi đau và cảnh đời bất hạnh bởi chất độc da cam/dioxin gây ra, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Và cũng trước thực tế đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có những việc làm thiết thực để chung tay chia sẻ nỗi đau da cam, góp phần xoa dịu vết thương đau của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin gây ra.
Trong thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương hội và thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và các tổ chức quốc tế luôn đồng hành ủng hộ và tạo điều kiện hỗ trợ bằng nhiều hành động thiết thực vào các dịp lễ, Tết và ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8) hằng năm.
Thông qua nhiều chương trình hoạt động thiết thực, Thành hội đã kết nối nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước luôn đồng hành sẻ chia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Năm 2023 được Ban Dân vận Trung ương cho phép tổ chức “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” từ ngày 1-8 đến 31-8-2023.
Vừa qua, Thành hội tổ chức phát động chương trình với mục đích nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin, đồng thời khơi dậy lòng nhân ái, sự sẻ chia của toàn xã hội, vận động tham gia ủng hộ về tinh thần, vật chất giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin thành phố khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chương trình đã kêu gọi vận động được với số tiền 3,7 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Thành hội và các cấp hội đã kêu gọi vận động và tổ chức tặng hơn 6.111 suất quà với tổng số tiền 3,98 tỷ đồng; trợ dưỡng thường xuyên cho 45 người, với số tiền gần 148 triệu đồng; trao 7 suất học bổng với số tiền 33 triệu đồng; cấp 14 chiếc xe lăn với số tiền 42 triệu đồng; đầu tư sửa chữa nâng cấp hạ tầng các trung tâm chăm sóc; xây dựng nhà làm hương với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng.
Đặc biệt, hội duy trì việc nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề, dạy học, phục hồi chức năng cho 110 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn tại trung tâm với chi phí hơn 750 triệu đồng; tổ chức xông hơi giải độc cho nạn nhân chất độc da cam với 17 trường hợp.
Ngoài ra hội còn hỗ trợ sinh kế, khám bệnh đột xuất cho nạn nhân chất độc da cam... Tổng số tiền Thành hội hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam là 5,45 tỷ đồng. Ngoài ra các cấp hội chủ động kêu gọi, vận động hiệu quả nhiều nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, mang lại niềm vui và đời sống cho nạn nhân chất độc da cam ngày càng tốt hơn.
Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2023) và hưởng ứng “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2023 từ ngày 1-8 đến ngày 31-8 là dịp để chúng ta khơi dậy lương tâm và trách nhiệm, lòng nhân ái của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam; đồng thời cổ vũ, động viên, lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”; với mục đích “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
TRÀ THANH LÀNH
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng