Hội thảo "Công tác luân chuyển cán bộ ở miền Trung, Tây Nguyên: Thực trạng và vấn đề đặt ra"

.

Ngày 18-8, Học viện Chính trị khu vực 3 tổ chức hội thảo “Công tác luân chuyển cán bộ ở miền Trung, Tây Nguyên: thực trạng và vấn đề đặt ra”. Tham dự hội thảo có đại diện ban tổ chức thành ủy, tỉnh ủy và trường chính trị 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Theo đề dẫn tại hội thảo, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, nhiều năm qua, Đảng bộ các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, địa bàn phức tạp; góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác sử dụng cán bộ. Các cấp ủy đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, cấp trưởng một số ngành không là người địa phương… Qua đánh giá cho thấy, phần đông cán bộ luân chuyển có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, uy tín, chấp hành đúng sự phân công, bố trí công tác. Nhiều cán bộ sau thời gian luân chuyển đã  trưởng thành toàn diện hơn, góp phần cụ thể vào kết quả, thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các tham luận và ý kiến tại hội thảo cho thấy, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bám sát các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ; có nơi còn biểu hiện cục bộ, khép kín; chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm  vụ. Cán bộ luân chuyển giữa khối Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể; giữa các cơ quan, đơn vị với cơ sở chưa cân đối, hài hòa; từ cấp dưới lên cấp trên còn ít; có trường hợp chưa đủ thời gian luân chuyển đã được xem xét, bố trí công tác và ngược lại. Một số cán bộ có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, chưa thực sự tâm huyết, nỗ lực, phấn đấu để khẳng định năng lực bản thân và đóng góp thiết thực, hiệu quả cho nơi đến công tác.

Bên cạnh đó, hội thảo có nhiều ý kiến phát biểu về quy định của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ hiện nay; cơ chế luân chuyển cán bộ; mối quan hệ giữa đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với  luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; công tác phối hợp giữa nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến; việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không là người địa  phương; xác định tiêu chí đánh giá cán bộ trước, trong và sau luân chuyển…

H. NHUNG

;
;
.
.
.
.
.