ĐNO - Sáng 10-8, phát biểu tại buổi Tọa đàm khoa học "Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Luật Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, kinh nghiệm trong công tác quản lý môi trường của Đà Nẵng có thể là bài học tốt cho các địa phương khác trong cả nước.
Buổi tọa đàm do Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III Nguyễn Ngọc Hòa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Báo cáo đề dẫn tọa đàm, GS.TS Lê Văn Lợi cho rằng, Đà Nẵng là một thành phố đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh; các cấp chính quyền của thành phố rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế.
Theo GS.TS Lê Văn Lợi, những năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp cho việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, kiểm soát ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các sáng kiến cụ thể của Đà Nẵng như đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030”, cuộc thi tuyên truyền “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường năm 2022”, Hội thảo quốc tế "Sáng kiến địa phương - Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam" vừa được tổ chức vào tháng 6-2023 cho thấy sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở thành phố.
“Việc thành phố Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố về chỉ số bảo vệ môi trường trong những năm gần đây đã góp phần làm nên thương hiệu Đà Nẵng, một thành phố xanh - sạch - đẹp, một thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Kinh nghiệm quản lý môi trường của thành phố Đà Nẵng có thể là bài học tốt cho các địa phương khác trong cả nước”, GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm đại diện các sở, ban ngành và các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá toàn diện các kết quả đạt được cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và Luật Bảo vệ môi trường của cấp ủy Đảng các cấp về lĩnh vực bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; kết quả và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh trên địa bàn Đà Nẵng; định hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái, cùng giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Toạ đàm cũng dành thời gian đánh giá công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng trình bày tham luận. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Các tham luận, ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã làm rõ hơn những kết quả và kinh nghiệm của Đà Nẵng trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như nhận diện rõ hơn những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đây sẽ là cơ sở để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường, tham mưu cho Đảng và Nhà nước; và cũng là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng hoàn thiện thể chế chính sách, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và Luật Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố.
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho rằng, buổi tọa đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc mang lại nhiều kinh nghiệm và tạo ra một số hướng đi, tổ chức hoạch định của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian đến.
Cùng với đó, thành phố tập trung triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” theo đúng lộ trình đề ra, đồng thời tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn, tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện.
TRỌNG HÙNG