Trong tuần từ ngày 21 - 27-8, những thông tin thời sự kinh tế, chính trị, xã hội, y tế được dự luận đặc biệt quan tâm là: Phiên đấu giá biển số ô-tô đẹp đầu tiên bất thành; các trường đại học công bố điểm chuẩn; cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ nâng khống giá cây xanh; Ngân hàng Nhà nước quyết định ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN; chống lạm dụng tăng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu...
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2023 để thảo luận các dự án luật: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021- 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Chính phủ đã tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 19 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 35 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; xử lý những vấn đề đã có quy định, nhưng thực tiễn vượt qua; bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới đặt ra.
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng yêu cầu thảo luận xây dựng các Luật theo hướng: Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh; giảm thủ tục hành chính; tháo gỡ các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra; những vấn đề mới xuất hiện, cần hoàn thiện cần bổ sung; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan để mỗi việc chỉ mỗi cơ quan chủ trì…
Lỗi hệ thống trong ngày đầu tiên đấu giá biển số xe đẹp
Tuần qua đã diễn ra phiên đấu giá biển số xe ô-tô đẹp, nhưng ngay trong ngày đầu tiên đấu giá trực tuyến 11 biển số xe đẹp của 10 tỉnh, thành phố (ngày 22/8), hệ thống mạng liên tục báo lỗi, website không truy cập được. Trong phiên thứ nhất, có 11 biển số siêu đẹp được đưa ra đấu giá, tương ứng với các mốc thời gian khác nhau. Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến này được Sở Tư pháp TP Hà Nội phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo Quyết định số 226/QĐ-STP ngày 16-3-2023.
Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam là đơn vị thực hiện phiên đấu giá lần này. Giá khởi điểm của các biển số xe được đấu giá sẽ chia theo 2 vùng trên cả nước: Vùng 1 là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giá khởi điểm bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tức là 40 triệu đồng. Vùng 2 gồm các địa phương còn lại, giá khởi điểm bằng 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng là 10 triệu đồng. Số tiền đấu giá sau khi trừ các khoản quy định sẽ phân chia 70% nộp vào ngân sách trung ương và 30% được phân bổ cho ngân sách địa phương.
Ngân hàng Nhà nước ngừng thi hành một số quy định ‘thắt chặt’ của Thông tư 06
Nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1-9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Theo các doanh nghiệp bất động sản, có 2 nội dung bất cập nổi bật trong Thông tư 06 được chỉ ra đó là tăng thêm các trường hợp không được vay vốn và chưa rõ ràng về điều kiện vay. Điều này sẽ tiếp tục gây ách tắc, ảnh hưởng tới nguồn cung và khả năng mua nhà của người dân. Trong khi đó thời gian qua, Chính phủ đang muốn phát triển ổn định thị trường mà áp dụng quy định này thì chính là "siết" lại các doanh nghiệp. Hiện nay, pháp lý các dự án đã tắc, đến khâu cho vay, ngân hàng lại dùng pháp lý để ép một lần nữa khiến doanh nghiệp bị "siết" đến 2 lần.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN |
Với sự điều chỉnh này của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Quy định "không được cho vay để bù đắp tài chính trừ khi đáp ứng một số điều kiện" cũng được loại bỏ. Cùng với quyết định ngưng hiệu lực một số nội dung của Thông tư 06 từ phía Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đang nhận được nhiều trợ lực để hồi phục trở lại.
Xăng tăng hơn 600 đồng/lít, vượt mức 24.000 đồng/lít
Cũng trong tuần qua, sau điều chỉnh của liên Bộ Tài chính - Công Thương, xăng E5RON92 đã tăng 517 đồng/lít lên mức 23.339 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 608 đồng/lít, lên mức 24.601 đồng/lít. Các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng giảm đan xen, dầu diezen 0.05S giảm 71 đồng/lít, có giá 22.354 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 420 đồng/lít, không cao hơn 22.309 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 313 đồng/kg, không cao hơn 17.981 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần tăng giá xăng lần thứ 5 liên tiếp trong thời gian gần đây. Tại phiên điều hành chiều 11/8 của Liên bộ Tài chính - Công Thương trước đó, giá xăng RON95 ở mức 23.990 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 22.820 đồng/lít; giá dầu diesel là 22.420 đồng/lít; giá dầu hỏa là 21.880 đồng/lít.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ nâng khống giá cây xanh
Đáng chủ ý trong tuần qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 14 bị cáo khác trong vụ Nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội. Đây là vụ án thứ 4, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải ra hầu tòa. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.
Trong phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện UBND TP Hà Nội, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và nhiều cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Viện Kiểm sát xác định, hành vi của Nguyễn Đức Chung xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận trong các cơ quan ban ngành của Hà Nội, của nhân dân. Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người đứng đầu thành phố để chỉ đạo cấp dưới đặt hàng trái quy định. Nguyễn Đức Chung đã vì động cơ cá nhân mà làm trái quy định pháp luật về đấu thầu, để cho các cá nhân có quan hệ thân thiết với mình hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 2 - 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hàng loạt trường công bố điểm chuẩn đại học 2023
Trong tuần qua, hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn vào trường như: Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Dược, Trường Đại học Mở, Trường Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Phenikaa...
Trường Đại học Giao thông vận tải vừa công bố điểm chuẩn vào các ngành của trường. Theo đó, ngành logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành có điểm chuẩn xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất. Nhưng mức điểm này cũng chỉ giảm 0,1 điểm so với năm ngoái. Với các ngành đào tạo tại Hà Nội, điểm trúng tuyển chủ yếu trong khoảng 21 - 25 điểm.
Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học chính quy vào các học viện, trường Công an nhân dân là 2.000; chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp Công an nhân dân là gần 1.200. Điểm chuẩn trường công an dao động từ 14,01 đến 24,94. Ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước của Học viện Chính trị Công an nhân dân có điểm chuẩn cao nhất là 24,94 điểm đối với nữ và đối với nam là 23,41 điểm.
Nhiều trường đào tạo khối ngành Y dược đã có điểm chuẩn đều giảm so với năm 2022. Ngành Răng hàm mặt, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 25,4 điểm, giảm 0,6 điểm so với năm 2022. Ngành Y khoa với 25,35 điểm, giảm 0,85 điểm so với năm ngoái. Ngành Dược học có mức điểm chuẩn là 23,43 điểm, giảm 1,67 điểm so với năm 2022. Ngành Y học dự phòng có điểm chuẩn thấp nhất trường là 19 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn thấp nhất trong 2 năm trở lại đây...
Chống lạm dụng tăng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu
Theo Thông tư 13 của Bộ Y tế về quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đã có hiệu lực, một số bệnh viện đã điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp, đảm bảo quyền lợi người bệnh. Tuần qua, ghi nhận tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương, giá dịch y tế theo yêu cầu chi phí cao, nhưng vẫn nhiều người lựa chọn. Hiện các bệnh viện đã có sự điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế để có sự thống nhất mức giá chung. Đa số người dân vẫn chấp nhận mức giá hiện nay và mong muốn sẽ được cải tiến dịch vụ tốt hơn nữa, giảm quá tải hơn nữa để hưởng các dịch vụ tốt hơn.
Hiện bảng giá khám, chữa bệnh dịch vụ mới áp dụng từ ngày 15/8 đã được các bệnh viện công khai để người bệnh được biết và lựa chọn. Nhiều dịch vụ đã giảm giá sau khi điều chỉnh như: Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết là hơn 1 triệu đồng/lượt, giảm gần 400.000 đồng so với trước; phẫu thuật cắt cụt chi từ 13 triệu đồng còn 6 triệu đồng; phẫu thuật thay vết thương sọ não hở từ 14 triệu đồng còn gần 8,5 triệu đồng... Với Thông tư 13, Bộ Y tế cho phép dải giá khám bệnh, giường bệnh khá rộng để các bệnh viện áp dụng theo điều kiện của mình. Thông tư lần này cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để khám chữa bệnh cho người dân.
Theo Báo Tin tức