Bảo tàng Đà Nẵng với công tác giáo dục, tuyên truyền về truyền thống cách mạng

.

Bảo tàng Đà Nẵng là thiết chế văn hóa tiêu biểu, quan trọng của thành phố, thuộc loại hình bảo tàng tổng hợp khảo cứu địa phương giới thiệu lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của đất và người Đà Nẵng. Bảo tàng có sứ mệnh gìn giữ và phát huy giá trị các bộ sưu tập về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân đất Quảng, là những minh chứng hùng hồn về cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đó cũng chính là nguồn sử liệu chân thật, trực quan để bảo tàng thực hiện việc truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về quê hương đất nước, về thế hệ của cha ông đi trước... đến với các đối tượng công chúng. Đây là một trong những nội dung hoạt động mà Bảo tàng Đà Nẵng đã duy trì thực hiện trong nhiều năm qua, góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch cũng như giúp cho thế hệ trẻ có được nhận thức đúng đắn về những thành quả của cách mạng Việt Nam. 

Ngay từ khi mới khánh thành đi vào hoạt động, Bảo tàng Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến việc gắn kết bảo tàng với học đường với mục đích mang giá trị của các sưu tập tài liệu, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ đến với các em học sinh nhằm góp phần vào việc giáo dục truyền thống dân tộc, khơi gợi niềm yêu thích và nâng cao chất lượng việc dạy và học môn lịch sử; đồng thời, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Hoạt động “Giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng” được triển khai thực hiện từ tháng 9-2014 với mục đích tạo ra những giờ học ngoại khóa sinh động và hấp dẫn cho học sinh các cấp phổ thông qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày ở bảo tàng với nhiều chủ đề khác nhau.

Hầu hết nội dung các chuyên đề giáo dục này có sự gắn kết giữa chương trình giáo dục lịch sử địa phương của các bậc học với nội dung trưng bày của bảo tàng, đáp ứng được nhu cầu học tập thực tế của các em. Với cách tiếp cận trực quan, sinh động và gợi mở đã giúp cho học sinh hứng thú hơn với kiến thức lịch sử của dân tộc. Lịch sử không còn là những bài học khô khan và khó tiếp cận. Nhờ đó, các em khắc sâu và nâng cao hiểu biết về kiến thức lịch sử chân thật của nước nhà.

Chương trình “Em yêu lịch sử” là hoạt động được tổ chức bằng hình thức thi tìm hiểu kiến thức kết hợp với trò chơi vận động. Nội dung của chương trình xoay quanh các chủ đề về lịch sử của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Kiến thức lịch sử được cung cấp thông qua các trò chơi tìm hiểu, phần thi hùng biện, vận động nhằm tạo ra sự hứng thú và niềm yêu thích, say mê học môn lịch sử, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ, để từ đó các em có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Hoạt động “Nghe hiện vật kể” cũng là một trong những cách làm hay mà Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện liên tục trong các năm gần đây nhằm góp phần giáo dục giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đến thế hệ trẻ thông qua hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Mỗi hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện vô cùng ý nghĩa và ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử của vùng đất Quảng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

“Dâng hương tưởng niệm, chăm sóc di tích kết hợp với trò chơi teambuilding” là một trong những hoạt động nổi bật của Bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng tọa lạc bên trong Thành Điện Hải - Di tích Quốc gia đặc biệt. Thành Điện Hải là một trong những công trình kiến trúc quân sự có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vào thế kỷ XIX,  nơi ghi dấu trận đầu đánh Pháp của quân và dân Đà Nẵng (1858 - 1860).

Hiện tại chính giữa sân Thành Điện Hải có tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương. Tại đây, bảo tàng đã tổ chức cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức các buổi lễ dâng hương tưởng niệm danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh trong buổi đầu chống Pháp. Hoạt động này góp phần tuyên truyền ý nghĩa chiến thắng lịch sử của quân và dân Đà Nẵng trong buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860) và giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ về lịch sử hào hùng của cha ông đã làm nên chiến thắng đầu tiên của quân dân Đà Nẵng.

Có thể nói, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền mà Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trong thời gian qua đều có sự đổi mới trong phương pháp truyền đạt, trao đổi, giúp các em mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tiếp cận và học hỏi những kiến thức lịch sử địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục công chúng thường niên được duy trì và liên tục có sự đổi mới về nội dung và hình thức đã thu hút được sự tham gia đông đảo của công chúng. Qua đó, góp phần lan tỏa những thông tin chính thống về lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ, để các em được nhìn, được cảm nhận một cách chân thật về tính chính nghĩa của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của thế hệ đi trước.

TRẦN VĂN CHUẨN

;
;
.
.
.
.
.