Phản bác những luận điệu xuyên tạc công tác thu hút đầu tư nước ngoài

.

Với tư tưởng “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã phát huy nội lực và thu hút ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu vĩ đại trong cuộc đổi mới đất nước toàn diện hôm nay.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư đến từ 141 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực). Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không ngừng công kích, xuyên tạc, phủ nhận các giá trị mà tư tưởng ngoại giao của nước ta. 

Do đó, việc nâng cao nhận thức về tư tưởng “ngoại giao cây tre”, tăng cường áp dụng hiệu quả vào trong công tác ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và đặc biệt là nhận diện, phản biện các luận điệu xuyên tạc lỗi thời của các thế lực phản động đòi hỏi phải được thực hiện quyết liệt và thường xuyên.

Về tư tưởng “ngoại giao cây tre”

Phát biểu tại hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát trường phái ngoại giao mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện trong hơn 90 năm qua là một “một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!” (1), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!” (2).

Khi nhắc đến cây tre, ngoài những đặc trưng mang đậm bản sắc con người Việt Nam và làm nên trường phái ngoại giao như phân tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở trên thì có một đặc tính cũng khá thú vị tạo nên một thuật ngữ mà người ta hay gọi là “bài học cây tre” để nói về thành quả của sự kiên trì.

Bài học đó được rút ra từ chính từ đặc điểm sinh trưởng tự nhiên của cây tre mà bất cứ ai từng quan sát cây tre cũng có thể nhận ra: khi mới mọc từ măng thì tốct độ sinh trưởng rất chậm, có thể phải mất 4 năm chỉ tăng thêm vài cm. Nhưng khi đến năm thứ 5, nó sẽ phát triển rất mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày, và chỉ mất 6 tuần sau đó để đạt chiều cao 15 mét.

Và trong tạo lập mối quan hệ ngoại giao với các nước khác, để tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững thì đòi hỏi các bên đều cần phải có nghị lực và sự kiên trì, nhẫn nại như cây tre, để vun đắp lâu dài. Cụ thể hơn, để đảm bảo phát triển bền vững, trước hết nội lực của địa phương đó phải thật vững chắc, có khả năng tự lực, tự cường trong hợp tác và cạnh tranh với các đối tác kinh tế từ bên ngoài (ngoại lực), để đảm bảo “hòa nhập” nhưng không bị “hòa tan”.

Có thể nói, trong bối cảnh quốc tế được dự báo có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường; hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức; thì trường phái “ngoại giao cây tre” có thể được xem là một trong những triết lý soi đường đầy hiệu quả và ý nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, trong nhận thức về tư tưởng “ngoại giao cây tre” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn chưa thật sự đầy đủ, các thế lực thù địch phản động vẫn thường xuyên xuyên tạc, phủ nhận giá trị của tư tưởng này. Song, những luận điệu này hoàn toàn lạc lõng, phiến diện mà bất cứ công dân nào có tri thức đều nhận ra và phản bác.

Bởi vì, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam chính là tư tưởng ngoại giao dựa vào nội lực, dựa vào chính nghĩa và dựa vào lợi ích chân chính, quan trọng trên hết của dân tộc Việt Nam. Hình tượng cây tre cứng cỏi mà linh hoạt để thể hiện cho sự “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết trong công tác đối ngoại.

Hình tượng tre mọc thành lũy, kết đoàn, bảo vệ làng Việt cũng như vai trò của ngành ngoại giao có sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đóng vai trò quan trọng cùng các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Phát huy hiệu quả tư tưởng “ngoại giao cây tre” trong thu hút đầu tư nước ngoài

Từ tinh thần “ngoại giao cây tre” thủy chung son sắc, bạn bè tin cậy với quốc tế năm châu; trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này, đã có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các dự án đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong những giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, khu vực đầu tư nước ngoài chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, sau 35 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Nếu theo đối tác, sau 35 năm, đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.

Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 70,8 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư)... Tính theo địa bàn, 35 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, cần phải tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, chú trọng vào số lượng hơn là chất lượng, chú trọng vào thành tích ngắn hạn hơn là tăng trưởng bền vững dài hạn, chú trọng vào con số đầu tư hơn là tiềm năng phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. 

Đặc biệt, cần phải phát huy câu chuyện “bài học cây tre”, các địa phương nói chung, Đà Nẵng nói riêng cần phải xác định rõ thế mạnh, nội lực của mình là gì để có những ưu tiên phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước; xác định rõ những lĩnh vực nào cần hợp tác nước ngoài để chủ động nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiếp cận chuyển giao công nghệ để từng bước tự chủ, tự lực, tự cường.

Và phát huy tinh thần cây tre trong chịu thương chịu khó, thủy chung sâu sắc cũng là phát huy tinh thần “Xứ Quảng - Đà chưa mưa đã thắm - rượu Hồng đào chưa nhắm đà say - Bạn về nằm nghĩ gác tay - Hỏi nơi mô ân trượng nghĩa dày bằng ta”. 

LÊ HOÀNG PHÚC

(1)Trích từ bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy

(2)Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr.8

;
;
.
.
.
.
.