Phát huy vai trò nêu gương

.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách người đảng viên cộng sản, luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm. Những điều đó đã kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, qua hơn 92 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những thành tựu vĩ đại từ khi có Đảng lãnh đạo và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khẳng định tính tiên phong, gương mẫu của đa số đảng viên của Đảng ta.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân; có biểu hiện biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, có tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”… gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân. Do đó, hiện nay, yêu cầu đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu để củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và giữ vững mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân.

Ðại hội XIII của Ðảng đã khẳng định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ”.
Đối với cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương cần tập trung vào các nội dung sau:

Nêu gương trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch… có đủ bản lĩnh chính trị để không bị lôi kéo, dụ dỗ; tự diễn biến, tự chuyển hóa, thoái hóa, biến chất… nói và làm đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Nêu gương trong công tác xây dựng Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ trước hết là thông qua môi trường nơi công tác, học tập, sinh hoạt, sinh sống và tinh thần, thái độ trong tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu… của cán bộ, đảng viên.

Nêu gương thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng các tổ chức, các phong trào, cuộc vận động ở địa phương nhất là ở nơi công tác, nơi cư trú. Lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm mục tiêu học tập, phấn đấu làm theo để nêu gương, noi gương bắt đầu từ những việc làm bình dị, nhỏ nhất, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Nêu gương về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đối với tổ chức Đảng, tập thể cơ quan, đơn vị, cấp ủy các chi bộ về phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên:

Nhận diện sự phản ánh tiêu cực từ sự xuống cấp trách nhiệm, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với đời sống xã hội và uy tín của Đảng, của chế độ hiện nay trong phạm vi lãnh đạo, phạm vi trách nhiệm của chi bộ, của cơ quan, đơn vị, khu dân cư: không nhận diện kịp thời, không giám sát, không nắm bắt được thì không điều chỉnh được, không có chủ trương lãnh đạo đúng đắn, kịp thời như “bỏ trận địa” dẫn đến “mất trận địa”.

Tuyên truyền, giáo dục thông qua việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình, gương mẫu: Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình, tiêu biểu, gương mẫu thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện các phong trào, nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của địa phương gắn với kết quả, sự cống hiến, gương mẫu thực hiện của các tổ chức, cá nhân; của đảng viên, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân.

Xây dựng phong trào “Biểu dương gương sáng” rộng rãi ở cộng đồng dân cư, trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Chủ thể thực hiện là các tổ chức trong hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư, lấy những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm nòng cốt của phong trào, nhằm xây dựng mô hình dân vận hiệu quả, thiết thực trong tình hình mới.

Tóm lại, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình nhiệm vụ làm những điều hay, làm mẫu, là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạo đức, chuẩn mực của xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ là hành động tích cực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

  BÙI THỊ TUYẾT NGA    

;
;
.
.
.
.
.