Mẹ không cần hoa...

.

Tôi đến Bệnh viện Ung bướu vào ngày mà đài khí tượng thông báo cơn bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vậy mà, bước qua cánh cổng bệnh viện lại phải đối diện với “cơn bão” lòng của những người mẹ đang ngày đêm chăm con bị ung thư. Họ không biết ngày 20-10, ngày của bà, của mẹ...

Trải qua 2 đợt xạ trị, tóc Quý rụng hết, miệng lở loét... nhưng tinh thần em khá lạc quan.
Trải qua 2 đợt xạ trị, tóc Quý rụng hết, miệng lở loét... nhưng tinh thần em khá lạc quan.

Tôi đến Bệnh viện Ung bướu (BVUB) vào ngày mà đài khí tượng thông báo cơn bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vậy mà, bước qua cánh cổng bệnh viện lại phải đối diện với “cơn bão” lòng của những người mẹ đang ngày đêm chăm con bị ung thư. Họ không biết ngày 20-10, ngày của bà, của mẹ...

1. Trước mặt tôi, người phụ nữ gầy gò (quê Hội An, Quảng Nam) đang cố kìm nước mắt khi nhắc đến Quý, cậu con trai 14 tuổi của chị. “Quý học lớp 8, 14 tuổi, từ nhỏ đã là cậu bé múp míp, tròn trịa. Có lẽ vì đã quen mắt với “cục bột di động” này mà khi con đột nhiên sút 2 cân, tôi đã tức tốc đưa cháu đến bệnh viện xét nghiệm. Và...”, chị bỏ lửng câu nói, rồi òa khóc. Đống khăn giấy vò nát trong tay, ướt đẫm...

Bác sĩ chẩn đoán Quý bị ung thư máu. Vào bệnh viện 3 tháng, hóa trị 2 lần. Tóc rụng hết. Miệng lở loét không ăn uống được. Từ cậu bé mập mạp nặng 42kg, em chỉ còn 30kg.

Chị Phượng, mẹ Quý, nhớ như in ngày đưa em đi khám và chờ lấy kết quả xét nghiệm. “Đó là ngày 12 tháng 6 âm lịch. Hôm đó, tôi nghỉ bán, cùng con vào viện. Linh tính của người mẹ cho tôi biết con mắc căn bệnh nào đó. Nhưng, trong ác mộng tôi cũng không tưởng tượng được đó là ung thư. Buổi sáng hôm chờ kết quả ấy dài như vô tận. Đến cuối giờ trưa, bác sĩ gọi tôi vào.

Quý đợi bên ngoài. “Gia đình phải chuẩn bị tinh thần...”, bác sĩ nói với tôi như vậy. Tôi không hiểu sao lúc đó lại bình tĩnh lạ thường. Sau khi nghe cẩn thận lời tư vấn từ bác sĩ, tôi gấp tờ giấy xét nghiệm làm tư, nhét xuống đáy túi xách rồi bình thản ra ngoài. Bởi tôi biết, ngoài kia, Quý đang đợi và chỉ cần thấy mẹ, Quý sẽ tíu tít chạy đến hỏi về bệnh tình. Tôi không thể để con biết con đang mang án tử trên đầu”.

Chị không nhớ chị đã lái xe chở con về như thế nào. Trên đường, chị cũng bỏ lỡ nhiều câu hỏi của con. Cu cậu có vẻ buồn nhưng đoán mẹ mệt nên thôi. Hai mẹ con về đến nhà thì trời đã quá trưa. Chị nhanh chóng sửa soạn tả bỉm, sữa, áo quần cho đứa em trai nhỏ 3 tuổi của Quý và đưa em sang nhà bà ngoại gửi. Phần chị gói ghém đồ đạc, cùng Quý vào nhập viện - BVUB, nơi chị không thể ngờ sẽ trở nên thân thuộc như căn nhà thứ hai của hai mẹ con.

“Ở bệnh viện đến tháng thứ 2 là Quý biết mình bị ung thư. Lần vô hóa chất ấy khiến Quý sốt, ho nhiều nhưng con chỉ nghĩ con bị bệnh và đang được bác sĩ chữa, thế thôi. Con khao khát được chữa bệnh lắm. Đêm hai mẹ con nằm ôm nhau, nó cứ thì thầm: Con nhớ em, nhớ ba, nhớ ngoại, nhớ bạn bè quá mẹ à. Đáng ra giờ con đang đi học đó chứ mẹ. Vậy mà, bệnh chữa mãi không xong”, chị Phượng kể trong đôi mắt nhạt nhòa màn mưa.

Với phần lớn bệnh nhân ung thư, truyền hóa chất là một cực hình. Nhiều đứa trẻ không ăn được gì, sức khỏe sa sút, tinh thần xuống, chỉ số bạch cầu và hồng cầu hạ, chưa phục hồi thì đã đối mặt với đợt truyền tiếp theo. Tuy vậy, Quý khá vững vàng. Sau hai ngày giải độc, mẹ đút gì cậu cũng cố ăn, dù không hết. Nếu không nằm trên giường bệnh chơi iPad, xem phim siêu nhân, cậu tự đi dọc hành lang chơi, gặp ai cũng chào.

Cho con chơi iPad thoải mái để con vơi bớt nỗi đau thể xác nhưng chị Phượng cũng xem cùng con. Chị rất sợ con vào google tìm hiểu về bệnh tình của mình. Quý đã 14 tuổi rồi. “Cách đây mấy hôm, tự nhiên con hỏi: Bệnh con chữa có hết không mẹ? Con nghe người ta nói, ung thư không chữa được đâu mẹ...”. Kể tới đó, chị khóc thành tiếng. “Nhưng lúc đó, tôi vẫn giữ giọng nói bình tĩnh, cứng cỏi: Chữa được chứ con. Bác sĩ ở bệnh viện này tay nghề cao lắm. Nhiều bạn như con đã khỏi bệnh đó”. Tôi nói để trấn an con chứ thực tình lòng mình đã đến cùng kiệt nỗi đau”.

2. Tại phòng bệnh này, ngoài Quý còn có 3, 4 em nữa, cũng ung thư máu. Những bà mẹ cùng cảnh ngộ nên cũng san sớt với nhau. Câu chuyện mỗi ngày họ nói với nhau là: “Sức khỏe con hôm nay tiến triển thế nào?”, “Hôm nay con truyền hóa chất có mệt không?”...

Vừa trải qua đợt điều trị hóa chất đầu tiên, bé nhà chị Tiến (29 tuổi, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã bớt quấy khóc hơn hôm đầu tiên. Bé Vũ con chị mới 4 tuổi. Trên giường bệnh, chị để nào thú bông, siêu nhân, người nhện... toàn những đồ chơi con thích. Vậy mà những hôm con đau, mệt, con quẫy đạp hết. Lúc ấy, chị lại phải bồng con dọc hành lang bệnh viện, con khóc vì đau đớn, mẹ khóc vì quặn lòng.

Kể từ ngày con nhập viện, chỉ có một thân một mình chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi để lo cho con. Chị bảo, nhiều khi thấy gia đình người ta có vợ có chồng cùng chăm bẵm con, nghĩ cũng tủi thân nhưng cũng đành phải cố gắng.

“Cách đây 3 tháng, Vũ kêu đau chân. Từ cậu nhóc hiếu động, không bao giờ đứng yên được một chỗ, con bỗng không đi lại được. Tôi đi làm phụ hồ. Tối tối về lại sờ nắn, xoa bóp chân cho con. Cứ nghĩ là con thiếu canxi chứ không bao giờ nghĩ...”, chị Tiến thổn thức.

Vũ mới 4 tuổi. Trừ những lúc sốt, đau, miệng cậu bé không ngừng ríu rít. Thấy mẹ trò chuyện với người lạ, cậu cũng toe toét hóng theo. Nhìn con vui vẻ, chị tự nhủ: “Thôi thì, ông trời cho thế nào thì được như thế”.

Nhưng, đó chỉ là phút “lạc lòng tích cực” thoáng qua, còn hầu hết thời gian trong ngày, ngay cả khi bế con trên tay, chị cũng không ngừng dằn vặt: Tại sao lại là chị? Tại sao lại là Vũ, đứa trẻ mới 4 tuổi? Khi nào thì chị có thể quen được với sự mất mát này? Chị cảm thấy sức mình đã cạn kiệt. Sự rạng rỡ, vô tư vui đùa của con khiến chị vừa được an ủi vừa như đứt từng đoạn ruột. Không biết bao lần chị trốn con vào nhà vệ sinh khóc thành tiếng, khóc thỏa thuê. Từ ngày con bệnh, đêm nào chị cũng nguyện cầu Trời Phật thương tình phù hộ cho con tai qua nạn khỏi. Chưa bao giờ chị phó mặc cuộc sống cho trời đất như lúc này.

Là một người mẹ, tôi hiểu, không gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử. Tôi chưa từng trải qua nỗi đau nào bằng nỗi đau đang ẩn chứa trong đôi mắt của các chị bây giờ. Đối với những người phụ nữ ấy, những món quà trong ngày 20-10 là thứ gì đó quá xa xỉ mà họ chẳng bao giờ nghĩ tới. Bởi họ đang mải từng ngày, từng giờ cùng đứa con bé bỏng giành giật sự sống. Mong sao, phép màu sẽ đến với những thiên thần bé nhỏ...

Anh Lê Hữu Long, Điều dưỡng trưởng khoa Nội III cho biết, số bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tăng qua mỗi năm. Năm 2015 là 31 trẻ, năm 2016 là 47 trẻ (từ 2 đến dưới 15 tuổi). Hầu hết trẻ đến điều trị ung thư máu. Số bệnh nhi Đà Nẵng không nhiều, chủ yếu là trẻ đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh Tây Nguyên.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.