Tài xế nữ thật tuyệt!

.

Phụ nữ chọn lái ô-tô như một nghề kiếm cơm quả thật không nhiều ở Đà Nẵng. Họ như những bóng hồng không chỉ điểm tô cho cuộc sống chút dư vị lạ mà còn ngầm khẳng định rằng: không có ngành, nghề nào là “thánh địa” của đàn ông…

Với Ánh Đào, có những chuyến xe đặc biệt khách không trả đồng nào nhưng trong lòng cô gái vẫn vui.
Với Ánh Đào, có những chuyến xe đặc biệt khách không trả đồng nào nhưng trong lòng cô gái vẫn vui.

Chỉ một chữ… duyên

Nụ cười rất tươi, đôi má lúm đồng tiền cực duyên và làn da nâu khỏe khoắn, đó là chân dung của nữ tài xế taxi 8X đời cuối Phạm Thị Ánh Đào. Chúng tôi hẹn nhau tại DaNang Souvernirs & Café, số 34 Bạch Đằng, nơi những cơn gió xuân vời vợi từ bên tê sông Hàn thổi vào bờ bên ni mát rượi như cái lý do cô gái bắt đầu với nghề lái xe taxi lạ lẫm trong mắt của nhiều người…

Cô nhấp xong chút trà gừng, nói chẳng có gì ngoài chữ duyên. Vốn là con gái “Quận Ba” (Sơn Trà) nên cái điệp khúc học xong phổ thông, lấy chồng sớm rồi sinh con và ở nhà buôn bán không chỉ ứng vào vận mệnh của cô mà còn không ít người. Nhưng rồi chính trắc trở trong cuộc sống riêng đã là điều kiện cần để đánh thức ước mơ được đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều người… Cô mạnh dạn đi học lái ô-tô và chính thức đầu quân vào hãng Taxi Mai Linh hơn một năm rồi.

Cũng giống như Ánh Đào, Hồ Thị Thu Thảo, 39 tuổi, sống ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã khởi đầu cuộc đời với công việc nhân viên tại cửa hàng trang trí nội thất. Bên ly cà-phê sữa đá, người phụ nữ nhỏ nhắn, tóc đen xõa hững hờ một bên vai, vừa nói chuyện vừa khuấy những viên đá nhỏ kêu lanh canh trong ly một cách đầy nữ tính, khó ai có thể nhận ra đây là một trong “tay lái lụa” của hãng Taxi Tiên Sa (thuộc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng) ở Đà Nẵng.

Thảo kể, sau một lần tai nạn phải nghỉ việc dài ngày, chị theo bạn học lái ô-tô “dằn túi” hòng lỡ có đi đâu xa thì thuê xe tự lái… Học xong rồi bỗng đâm ghiền. Tình cờ đọc báo thấy hãng Taxi Tiên Sa tuyển dụng, lại đang lúc thất nghiệp nên chị nộp đơn. Thế là, như một giấc mơ, bỗng dưng chị trở thành tài xế taxi ngược xuôi nội thành và đôi lúc chạy đường dài ngoại tỉnh. Hai năm qua, tính từ ngày đầu quân cho Tiên Sa, trung bình mỗi ngày chị chạy 150km, vị chi trong hai năm con số ấy đã lên tới cả trăm ngàn cây số. Chị khoe, những chuyến đi ngoại tỉnh đã đem đến cho chị cảm giác mới lạ, nhất là khi khách luôn tin tưởng vào tay lái của mình.

Không chỉ những phụ nữ lái taxi, rất nhiều phụ nữ chân quê ở các vùng nông thôn huyện Hòa Vang đã chọn việc cầm lái xe bán tải, hay xe tải nhỏ như một kế mưu sinh.

Đến với nghề không mấy lãng mạn này, đối với các chị, chẳng qua là sự đẩy đưa của cuộc sống. Lúc gặp bà Nguyễn Thị Bảy ở chợ Hòa An, quận Cẩm Lệ, với chiếc áo bà ba sẫm màu ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt đầy vết chân chim rám nắng đang bốc những bao ớt bột khô khỏi chiếc xe tải loại nhỏ, không ai có thể hình dung bà vừa là chủ hàng, kiêm luôn tài xế và bốc vác.

Bà tâm sự trong sự hối hả của một người không có nhiều thời gian: “Nhà làm nghề thu mua, chế biến ớt và bánh tráng nên cần có ô-tô chở bỏ mối các chợ trong thành phố. Ban đầu cũng thuê tài chạy, nhưng rồi nhiêu khê lắm. Mấy đứa con không chịu theo nghề nhà nên tức quá, tui đi học lái luôn. Chừ thành ra “tài kiêm lơ xe” là thế…”.

Buồn vui trên những cung đường

Chuyện những bóng hồng ngồi sau vô-lăng và sống với nghề như một mối lương duyên cho đến bây giờ vẫn được xem như một điều kỳ lạ. Thu Thảo nhớ lại ngày đầu khi mẹ biết con gái nộp đơn vào hãng Taxi Tiên Sa đã phán một câu xanh rờn: Hết nghề hay răng mà đi lái xe!

Tuy nhiên, sau hai năm gắn bó, chị ngẫm ra rằng mình đã chọn đúng nghề yêu thích. Bên cạnh ánh mắt lạ lẫm pha lẫn nghi ngờ của nhiều người, chị cũng có rất có nhiều “fan”. Nhiều người khi thấy chị mở cửa xe bước ra đón khách đã “ồ,... à…” đầy ngạc nhiên pha lẫn thích thú. Lúc đó chị thấy là lái xe nữ thật tuyệt!

Từ khung cửa DaNang Souvernirs & Café nhìn ra sông Hàn, những giọt nắng tháng ba nhảy nhót trên phiến lá xanh rồi rơi vàng óng trên mặt đường Bạch Đằng đầy gió. Nghe trong giọng nói của Ánh Đào vẫn còn nặng âm sắc của người vùng biển chắc nịch và chòng chành sóng gió. Cô tâm sự: “Mỗi chuyến xe chở khách đi đến nơi về đến chốn bao giờ cũng mang lại những cảm xúc khác nhau. Giống như mình vừa làm xong một điều tốt đẹp cho cuộc đời”.

Nhiều lần Ánh Đào gặp những trường hợp dở khóc dở cười trong lúc chạy xe mà khi kể lại không ai tin đó là sự thật. Cô nhớ đó là lúc 5 giờ sáng, đang trên đường chạy đến bãi đậu xe để nhận ca gần đường 2 Tháng 9, thấy một người đàn ông nằm vật ra đường bất tỉnh nên cô nhờ người đi đường đỡ ông ta lên xe đưa vào bệnh viện. Chạy được một đoạn, cô nghe tiếng lục đục sau băng ghế, quay lại thì thấy người khách không mời ngồi dậy xí la xí lô một tràng tiếng Hàn, sau đó nằm vật xuống ngủ tiếp.

Biết khách không việc gì, chắc là say quá nên không biết đường về, cô quyết định đưa vào đồn công an trên đường Hoàng Văn Thụ nhờ giải quyết. Ngồi chờ mãi. Đến khi khách tỉnh dậy mới ngã ngửa ra rằng, khách hiện cư trú tại một khách sạn trên đường An Thượng 3, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Tính ra chỗ cô “nhặt” được ông khách Hàn đến khách sạn chỉ cách nhau hơn cây số… Vậy mà cô phải chở khách lòng vòng trong thành phố hơn 1 giờ đồng hồ trong lo lắng. Tuy chuyến xe đặc biệt ấy không được khách trả đồng nào nhưng trong lòng cô gái vẫn vui…

Người ta nói một khi phụ nữ cầm vô-lăng, nhất là đó còn là một nghề kiếm sống thì phải “li dị” nhiều thứ yêu thích như giày cao gót, áo váy điệu đà… để tránh những tai nạn hy hữu như kẹt gót giày, vướng váy vào bàn đạp, chân ga. Nhưng đổi lại, họ có niềm hạnh phúc được làm chủ một phương tiện, một nghề lâu nay được mặc định là của phái mạnh.

Trong buổi sáng tình cờ, không có thời gian để trò chuyện nhiều nhưng bà Nguyễn Thị Bảy, chủ hàng kiêm lái xe mặt hàng ớt khô, bánh tráng Đại Lộc ở chợ Hòa An vừa thoăn thoắt bỏ hàng vừa bông đùa rằng: “Không đàn ông tui vẫn lái được… Mà còn lái tốt nữa là khác!”.

Chỉ tiếc là hôm đó không kịp chụp được cho bà Bảy một kiểu ảnh cầm vô-lăng lùi xe một cách điệu nghệ ra cổng chợ Hòa An đông đúc!

Giống như ly cà-phê đắng phải có thêm chút đường để đậm đà hơn. Đối với các tài xế nữ, những rắc rối, “tai nạn” trong nghề luôn là “dư vị” để niềm vui thêm ý nghĩa hơn. Việc bị khách quỵt tiền, trả thiếu tiền thậm chí có thái độ chảnh chọe là… chuyện thường ngày. Nhiều thành phần xấu đã xem tài xế nữ là đối tượng để sàm sỡ thậm chí cưỡng hiếp, cướp, giết.

Chị Hồ Thị Thu Thảo đến với nghề lái xe taxi như một cái duyên.
Chị Hồ Thị Thu Thảo đến với nghề lái xe taxi như một cái duyên.

Bản thân chị Thu Thảo đã không dưới một lần bị khách nam say hoặc giả vờ say để có hành động không đúng đắn. Chị bảo, những lúc như thế mình phải mềm mỏng, tỉnh táo giải quyết tình huống. Có lần chị đã phải chọn “hạ sách” là chốt cửa nhốt khách trong xe và nhờ người can thiệp hay từ chối chuyến đi ngoại tỉnh vào ban đêm khi khách yêu cầu lái xe nữ. Đó là chưa kể những lúc xe trục trặc phải nằm dài dưới gầm xe để kiểm tra hay những bữa cơm khô khan khi chờ khách ra về trong trường hợp khứ hồi.

Nắng tháng ba tuy có chói chang hơn nhưng vẫn còn vương vấn vị ngọt của mùa xuân vừa đi qua một nửa. Những bóng hồng ngồi sau vô lăng ở Đà Nẵng vẫn tất tả ngược xuôi chinh phục những cung đường. Đối với họ, lái xe không chỉ một nghề mà còn là niềm vui, khát vọng vượt qua chính mình, vượt qua những định kiến của xã hội để khẳng định một điều: Không hoạt động nào được định hình sẵn là dành riêng cho phái mạnh…

Phụ nữ lái taxi tại Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay

Trong hơn 2.000 tài xế của ba hãng taxi lớn nhất ở Đà Nẵng là Mai Linh, Tiên Sa, Vinasun, số phụ nữ ngồi sau vô-lăng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trao đổi vấn đề tế nhị này với lãnh đạo hãng Taxi Mai Linh, nơi có 4 bóng hồng cầm lái thì được câu trả lời cũng hết sức tế nhị: “Ở hai đầu Sài Gòn, Hà Nội, số lượng nữ lái taxi khá đông.

Không riêng Đà Nẵng mà hầu hết các tỉnh miền Trung, số lượng phụ nữ chọn nghề lái xe taxi rất ít. Tâm lý cộng đồng người miền Trung cho rằng, nghề lái xe là nghề nặng nhọc không hợp với nữ giới. Chính tâm lý vùng miền này đã làm rào cản lớn khi phụ nữ chọn lái xe là một nghề để mưu sinh”.

Bài và ảnh: Như Hạnh

 

;
;
.
.
.
.
.