Năm học mới 2017-2018 lại bắt đầu. Cùng với tiếng trống khai trường rộn ràng là nhiều kỳ vọng của cả xã hội về một nền giáo dục tăng cường kỷ cương, nâng cao chất lượng toàn diện.
Việc để học sinh có được 3 tháng hè trọn vẹn, sau lễ khai giảng thì chính thức bước vào học chứ không học trước 2 tuần như một số địa phương khác là một trong những đổi mới của ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó là hàng loạt đổi mới như: mở cổng trường, thư viện, các khu thể thao để học sinh và người dân vùng phụ cận vui chơi, đọc sách, tập luyện thể thao... trong khuôn viên các trường.
Ngành giáo dục cũng khuyến khích các đơn vị, trường học mở các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, cầu lông, võ thuật, âm nhạc, erobics, cờ vua... trên cơ sở xã hội hóa. Cùng với đó là những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm như: đa dạng hóa việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường và xã hội (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức…), thực hiện hiệu quả chương trình sữa học đường nhằm tăng cường thể chất cho học sinh…
Ngoài ra, ngoài số hồ bơi sẵn có tại các trường học, ngành giáo dục thành phố liên hệ các đơn vị quân đội, doanh nghiệp trên địa bàn có hồ bơi đón các em đến học bơi miễn phí hoặc thu phí thấp. UBND thành phố cũng đã trích kinh phí từ ngân sách để xây dựng bể bơi di động cho các trường ở địa bàn khó khăn thuộc huyện Hòa Vang và các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và các phường Hòa Phát, Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ)…
Dẫu thế, trong bước chân con trẻ đến lớp vẫn còn nhiều nỗi lo. Lo lắm khi ngày ngày con phải oằn mình mang chiếc cặp nặng hơn so với sức của mình, phải tiếp thu khối lượng kiến thức quá lớn đến nỗi phải tạm quên đi những nhu cầu chính đáng và cần thiết là được vui chơi, được rèn luyện kỹ năng sống.
Và nhìn xa hơn, khi điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp thì nỗi lo về chất lượng của người thầy vẫn còn canh cánh… Bởi thế, ngành giáo dục đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là phải làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui và trường học phải thực sự là mái nhà an toàn, thân thiện để các con không chỉ được học tập mà còn được vui chơi. Đó là phải nâng cao chất lượng dạy và học thật sự, học thật, thi thật và xóa bỏ bệnh thành tích…
Mới đây, trong lễ trao thưởng cho học sinh xuất sắc toàn diện tiêu biểu năm học 2016-2017, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh mong mỏi rằng, ngoài học tốt, việc trau dồi, rèn luyện nhân cách, đạo đức để các em phát triển toàn diện là điều không kém phần quan trọng.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh cũng cho biết, trong năm học mới, ngành giáo dục địa phương đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản, trong đó chú trọng các giải pháp như: nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục…
Giáo dục Việt Nam đang từng bước đổi mới để xây dựng thế hệ con người Việt Nam biết làm chủ tri thức, làm chủ tương lai. Nhiệm vụ đổi mới lại phụ thuộc nhiều vào hơn 1 triệu thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng. Thế nhưng, trước khi yêu cầu thầy cô phải đủ chuẩn về năng lực, giàu lòng nhiệt huyết thì phải bảo đảm đủ điều kiện sống cho người thầy.
Một khi mức lương còn chưa bảo đảm mức sống, một khi người thầy vẫn phải lo nỗi lo cơm áo thì chưa thể dồn hết thời gian và tâm huyết vào con chữ. Điều đó không chỉ ngành giáo dục có thể làm được mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Nếu có chung niềm mong mỏi, hẳn sẽ có chung một hành động. Hành động để cùng xây dựng một nền giáo dục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nhằm phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
PHƯƠNG TRÀ