Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tinh thần của quy định này là đề cao phòng ngừa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vốn là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Quy định nhận diện rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực (TNTC) trong công tác cán bộ, gồm: 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 5 hành vi tiêu cực khác liên quan đến TNTC trong công tác cán bộ. Quy định nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống TNTC trong công tác cán bộ của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy, thành viên cấp ủy, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu và trách nhiệm của nhân sự.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan gồm: thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ ở 13 ngành: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương. Quy định nêu rõ các biện pháp xử lý hành vi TNTC trong công tác cán bộ: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng.
Có thể thấy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW là từ thực tế, bên cạnh những đổi mới, tiến bộ trong thời gian qua, công tác cán bộ vẫn còn hạn chế, yếu kém, thậm chí TNTC. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để.
Ở một số nơi, việc tình trạng bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; trong đó, có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ) gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, Quy định số 114-QĐ/TW được ban hành nhằm cụ thể hơn việc ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu các khả năng, con đường, phương thức tạo nên hành vi TNTC của cả chủ thể, đối tượng, đối tác tham gia. Nói một cách giản đơn, chính là phải tác động vào chính người “chạy”, người được “chạy” và người trung gian, người đứng sau “hậu trường” cũng như các phương thức diễn ra “chạy chức”, “chạy quyền”.
Đưa quy định đi vào thực tiễn, phòng ngừa TNTC trong công tác cán bộ có hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ với các văn kiện, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kiện toàn bộ máy Nhà nước, trong đó công tác cán bộ đóng vai trò then chốt. Đó là công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ.
Việc công khai, minh bạch phải được thực hiện đầy đủ ở tất cả các khâu trong hoạt động công vụ, công tác cán bộ; các khâu hoạch định chính sách, pháp luật và tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật, như hoàn thiện các quy định và tổ chức thực hiện công tác thi tuyển, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bố trí, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật... Đó là công tác kiểm soát xung đột lợi ích trong công tác cán bộ, là tình huống mà trong đó lợi ích riêng của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn - người thực hiện nhiệm vụ, công vụ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Để kiểm soát tốt xung đột lợi ích, cần quy định rõ các tình huống mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm và phải làm theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời làm rõ quy định trách nhiệm công vụ trong công tác cán bộ đối với từng vị trí công tác. Do đó, cần xây dựng những tiêu chí rất cụ thể, khoa học, phù hợp yêu cầu thực tiễn và chiến lược công tác cán bộ trong việc tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng, quản lý…; đánh giá cán bộ về cả phẩm chất, đạo đức lẫn năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác.
Hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra nhằm theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, hạn chế của cơ quan, người có thẩm quyền; chỉ ra được những yếu kém, bất cập trong công tác cán bộ; qua đó có những biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Đồng thời, phải làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng, chống TNTC trong công tác cán bộ bởi đây chính là một chế định “hạt nhân” của phòng, chống TNTC.
CHU VĂN