Tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành một nghị quyết mới thay thế nghị quyết nói trên.
Tinh thần chung là: trên cơ sở kế thừa các quy định hợp lý về tổ chức chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14, đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng thời gian qua để đi tới một mô hình chính quyền đô thị chính thức cho Đà Nẵng, không còn ở mức độ thí điểm nữa. Đây là cơ hội mới, rất quan trọng để Đà Nẵng có cơ sở bứt phá vươn lên trên chặng đường phát triển sắp tới.
Như vậy, qua hai lần thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội khóa XII về thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước nói chung mà Đà Nẵng là một trong số ít những địa phương tham gia và Nghị quyết số 119/2020/QH14 bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù riêng đối với thành phố Đà Nẵng, nghị quyết mới lần này của Quốc hội nếu được các đại biểu nhất trí thông qua sẽ thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm của Trung ương, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng, địa phương, coi phát triển đô thị, kinh tế đô thị là mắt xích quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điều này cũng chứng tỏ quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, suốt thời gian dài, đã nỗ lực vượt lên khó khăn để từng bước vận hành theo hướng một chính quyền đô thị hiện đại theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với một bộ máy điều hành gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách của thành phố và từng địa phương, đơn vị, tạo sự hài lòng của đông đảo người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong ba năm qua, quyết tâm đó đã được thể hiện qua những chủ trương, biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đạt được những hiệu quả có thể đo đếm trong thực tiễn. Tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây, báo cáo của UBND thành phố đã cho thấy: Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu phát huy tính ưu việt của chính quyền đô thị, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển.
Đã có 91 nội dung phân cấp, ủy quyền với tỷ lệ 100% đã được triển khai. Chỉ riêng một nội dung khá gần gũi cấp thiết là việc chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch phường thực hiện ký chứng thực đã tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân khi đến liên hệ công việc; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được thời gian của nhân dân.
Qua thực tế ở cơ sở, người dân đang dần dần thực sự cảm thấy mình đang sống trong môi trường chính quyền đô thị, rõ nhất là môi trường chuyển đổi số. Thành phố đã đẩy mạnh các nội dung chuyển đổi số trong cải cách hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính; tăng cường mở rộng tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công…
Cùng với những kết quả có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội nêu trên, những thành tựu kinh tế - xã hội của thành phố thời kỳ hậu Covid thời gian qua cũng góp phần chứng tỏ hiệu quả điều hành theo mô hình chính quyền đô thị đã phát huy tính ưu việt và sự đúng đắn của mô hình này.
Tuy nhiên, qua báo cáo chung cũng như ý kiến các đại biểu từ Trung ương, thành phố đến cơ sở tại hội nghị sơ kết có thể thấy, còn nhiều vấn đề rất mấu chốt cần tháo gỡ. Thực hiện thí điểm lẽ đương nhiên sẽ xuất hiện những vấn đề gây nghẽn tắc cần khai thông, sẽ có những lúng túng ban đầu có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính - ngân sách; quy định về tổ chức bộ máy; vấn đề liên thông các chức danh cán bộ phường; vấn đề số lượng đại biểu HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách HĐND thành phố, kể cả số lượng một số chức danh công chức chính quyền những nơi cần thiết… Những vướng mắc sẽ được Quốc hội thảo luận để tháo gỡ cho Đà Nẵng, nhưng điều chắc chắn là Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện mình trong cơ chế vận hành của chính quyền đô thị, một xu thế chung tất yếu của các đô thị hiện đại.
Vấn đề quan trọng nhất đặt ra cấp thiết là nguồn lực con người trong định chế chính quyền đô thị. Dù mô hình chính quyền nào, cái gốc vẫn là con người, là cán bộ trong bộ máy. Trong điều kiện mô hình quản lý mới, cơ chế vận hành mới theo hướng tập trung thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, xác định rõ trách nhiệm giải trình, rõ ràng đội ngũ cán bộ, công chức phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, đổi mới phong cách, phương pháp làm việc; nhận thức rõ quyền lực đi đôi với năng lực, am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ở từng vị trí.
Phong cách làm việc trong mô hình chính quyền mới sẽ không có chỗ đứng cho lối làm việc cầm chừng, ngại trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, điều mà hiện nay Đảng ta đang hết sức quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt để tạo sự chuyển biến thực chất. Thêm nữa, với truyền thống nhân văn, truyền thống văn hóa dân tộc, con người công chức trong bộ máy chính quyền đô thị phải giải quyết mọi vấn đề, xử lý mọi tình huống trên cơ sở thấu tình đạt lý; đặc biệt là không để xảy ra tình trạng chuyên quyền, độc đoán, lợi dụng tín nhiệm trong phân cấp, ủy quyền để có những việc làm tổn hại đến quyền lợi của người dân, làm mất lòng tin của nhân dân.
Báo cáo của Chính phủ vừa gửi lên là nội dung tham mưu đề xuất rất quan trọng để Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết nghị. Trong tương lai gần, cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ là thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiện đại, hội nhập với các thành phố lớn trong khu vực và thế giới. Có thể nói, xét về tổng thể, Đà Nẵng đang có thuận lợi ở chỗ quy mô dân số, quy mô địa bàn khá phù hợp để lựa chọn mô hình chính quyền đô thị tương xứng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý địa phương.
Với cơ hội thuận lợi đang đến, vị thế của Đà Nẵng sẽ càng được khẳng định và nâng cao. Điều đó càng đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa đề có được một chính quyền hoạt động thực sự năng động, hiệu quả, tất cả vì mục tiêu đem lại sự thuận tiện, thoải mái, hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người dân thành phố, góp vào sự phát triển chung của đất nước trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng đi vào chiều sâu.
NẠI HIÊN