Thấy gì qua thưởng Tết?

.

Cuối tháng 12-2023, có hơn 20 địa phương công bố báo cáo tiền lương, thưởng Tết. Hiện mức thưởng Tết cao nhất đang thuộc về người lao động ở tỉnh Long An với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Địa phương có mức tiền thưởng Tết cao thứ hai là thành phố Đà Nẵng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của 116 doanh nghiệp, mức thưởng Tết Giáp Thìn 2024 cao nhất hơn 1 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh, thấp nhất là 200.000 đồng. Mức thưởng Tết cao thứ ba là Quảng Nam với 636 triệu đồng.

Về tiền thưởng Tết ở các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, các công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, tiền thưởng Tết Dương lịch 2024 cao nhất 34 triệu đồng, thấp nhất là 300.000 đồng; cao hơn năm 2023 với con số tương ứng lần lượt là 23 triệu đồng ở mức thưởng cao nhất và thấp nhất là 1 triệu đồng. Tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn đối với các công ty này cao nhất 45 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng; tương ứng năm 2023 với mức thưởng cao nhất là 48 triệu đồng, thấp nhất là 4,5 triệu đồng.

Đối với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng Tết Dương lịch 2024 cao nhất 10 triệu đồng, thấp nhất là 50.000 đồng; mức thưởng này thấp hơn năm 2023 với mức tiền thưởng cao nhất là 25 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng. Tiền thưởng Tết Giáp Thìn 2024 với doanh nghiệp dân doanh cao nhất hơn 1,047 tỷ đồng, thấp nhất 200.000 đồng; tương đương với năm 2023 cao nhất là 1,004 tỷ đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.

Một lát cắt về con số thưởng Tết ở trên phần nào phản ánh tình hình “sức khỏe” của mỗi DN và rộng hơn là cả nền kinh tế. Dù là một năm kinh tế chịu nhiều khó khăn, chật vật, song các DN vẫn cố gắng xoay xở thưởng Tết trong khi còn phải bảo đảm việc làm và lương, sau một năm thu nhập ảm đạm của người lao động.

Nhiều năm qua, lương hay thưởng Tết trở thành một nét văn hóa giàu tính nhân văn trong quan hệ lao động ở nước ta. Lương, thưởng không chỉ giúp người lao động có một cái Tết ấm hơn mà còn tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, lâu dài. Theo quy định, tiền thưởng Tết là không bắt buộc song phần lớn các DN đều hoạch định một nguồn kinh phí để bảo đảm hỗ trợ thêm một tháng lương (tháng 13) hay thưởng Tết cho người lao động. Sau một năm làm việc, đây là những khoản tiền mà người lao động mong đợi sau những công sức, thành quả của một năm làm việc. Khoản tiền đó cũng là sự ghi nhận của DN với công sức, sự đồng hành của người lao động.

Tuy nhiên, áp lực chi tiêu cho một cái Tết đủ đầy của phần đông đa số người Việt cũng cho thấy mức thưởng Tết ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của người lao động. Số tiền thưởng Tết DN chủ yếu để động viên người lao động, cho nên mức thưởng cao hay thấp phụ thuộc vào việc năm đó DN có “ăn nên làm ra” hay không, chứ không phải là một khoản chi bắt buộc của các DN và người lao động nghiễm nhiên được hưởng vào dịp cuối năm. Nếu trong năm, DN có ý thức, trách nhiệm với người lao động thì mức thưởng cao hay thấp chắc không phải là vấn đề lớn; nếu DN khó khăn thì người lao động cũng nên chia sẻ. Cần vun đắp một niềm tin rằng, thực sự không có ai bị bỏ lại phía sau. Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, người lao động cùng chia sẻ, thấu hiểu với DN vượt qua khó khăn mới là hành động có ý nghĩa, còn khi DN đang trên đà phát triển thì dễ hiểu hơn.

Bên cạnh những nỗ lực của DN trong cân đối nguồn tài chính để bảo đảm thưởng Tết thì vai trò của tổ chức Công đoàn thông qua các hình thức hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết như tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón Tết hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, tăng thêm thời gian nghỉ Tết đối với lao động có quê ở xa… cũng là những món quà ấm lòng và có ý nghĩa. Hiện Công đoàn các cấp tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập, thưởng Tết của các DN. Từ đó huy động thêm các nguồn lực của toàn xã hội nhằm chăm lo tốt nhất cho đoàn viên và người lao động. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết và dành 19.000 phần quà cho công nhân của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và các sản phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động trị giá khoảng 300.000 đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn dành một nguồn lực khoảng hơn  500.000 tỷ đồng để chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà là 500.000 đồng.

Liên đoàn lao động thành phố Đà Nẵng sẽ trao hỗ trợ cho 19.900 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bị mất việc, giảm giờ làm trong chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người bằng tiền mặt; tặng 30.000 phiếu mua hàng cho đoàn viên lao động gặp khó khăn trong chương trình “Chợ Tết Công đoàn” năm 2024; thăm, tặng quà cho công nhân không về quê đón Tết, lao động đơn thân có hoàn cảnh khó khăn tại các tổ tự quản khu nhà trọ; gặp mặt, tặng quà 300 cán bộ công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn khó khăn. Năm nay, Liên đoàn lao động thành phố cũng sẽ hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn về quê đón Tết.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.