Ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 14-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn kiện và là động lực mới rất quan trọng để Đà Nẵng tiếp tục có được những kế hoạch hành động phù hợp, những bước đi đúng hướng với tư duy bứt phá mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm tiếp tục thực hiện những quan điểm chỉ đạo, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 43 -NQ/TW.
5 năm đã trôi qua kể từ khi Đà Nẵng tiếp nhận, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW. Đó là khoảng thời gian có rất nhiều biến động chưa lường trước của tình hình thế giới, đặc biệt là tác động tiêu cực của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh tình hình ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên những thách thức khó khăn, suy nghĩ tìm ra những phương thức, cách làm phù hợp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sau đại dịch. Những thành tựu mà Bộ Chính trị nhấn mạnh trong kết luận lần này đã khẳng định những nỗ lực đó của Đà Nẵng.
Trọng tâm của kết luận lần này là nhấn mạnh lại nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng mà Đà Nẵng sẽ thực hiện, là cơ hội để thành phố khẳng định mình, phát triển. Trong đó, đáng kể là việc xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Để Đà Nẵng tiếp tục phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng và cả nước như Nghị quyết 43-NQ/TW và Kết luận 79-KL/TW đã đánh giá, chắc chắn một mặt Bộ Chính trị đặt ra những yêu cầu cao như những địa phương trong tốp đi đầu, đồng thời cũng đã và sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Đà Nẵng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nỗ lực tự thân của cả hệ thống chính trị, đồng thời huy động cao độ trí tuệ, công sức, sự đồng thuận, đồng lòng của tất cả các tầng lớp nhân dân thành phố. Nhân tố con người, hơn lúc nào hết, được coi trọng hàng đầu. Nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, các chuyên gia ở các lĩnh vực, các cấp độ, những người có bản lĩnh chính trị, tư duy, tầm nhìn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết dấn thân vì cộng đồng, vì lợi ích chung của thành phố.
Ở thời điểm hiện nay, nhìn lại “vốn liếng” cũng như cơ ngơi hiện hữu đang có, thành phố Đà Nẵng chúng ta có cơ sở để tạo niềm tin vào triển vọng bứt phá của thành phố, trước mắt là thực hiện thành công những nhiệm vụ Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận số 79-KL/TW. Đến nay, Đà Nẵng đã có được những nhân tố thuận lợi về định hướng quy hoạch, về cơ bản đảm bảo cho đời sống của một đô thị hiện đại, tạo được không gian sống chất lượng cao. Sớm xác định lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế sẽ là nguồn lực phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện đại, thành phố đã đầu tư khá bài bản cho những lĩnh vực này. Cho đến nay, những danh hiệu mà Đà Nẵng có được từ hàng thập kỷ trước vẫn cơ bản được giữ vững và tiếp tục phát triển bền vững.
Có thể kể như vị trí dẫn đầu hoặc trong top đạt thứ hạng cao liên tục nhiều năm về xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); liên tiếp 12 năm vị trí dẫn đầu khối tỉnh thành về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index); và gần đây, năm 2023, lần thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng được trao Giải thưởng Thành phố thông minh… Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, Đà Nẵng cũng đã sớm có được một hạ tầng thông tin bảo đảm bảo với dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, phát triển chuyển đổi số. Gần đây nhất, thành phố đã quan tâm đầu tư lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo, mở ra những cơ hội phát triển mới trên các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghệ cao.
Về quản lý nhà nước, Kết luận số 79-KL/TW cũng nêu nhiệm vụ nghiên cứu áp dụng chính thức và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tổ chức, bộ máy, yêu cầu quản lý của thành phố, bảo đảm phân cấp đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách Quốc hội đã ban hành để sửa đổi, hoàn thiện; bảo đảm tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải quyết các vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách. Với sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, đây là nội dung rất cần thiết và kịp thời để Đà Nẵng có đủ cơ sở pháp lý để vươn lên xứng đáng với vai trò, vị trí chiến lược, tầm quan trọng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước, gắn với thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng có liên quan, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vấn đề văn hóa văn minh đô thị, văn hóa con người Đà Nẵng cũng là một sức mạnh nội sinh cần đặc biệt coi trọng và phát huy trong bối cảnh phát triển mới đa dạng hiện nay. Có một nhận định của một nhà nghiên cứu kinh tế, rằng tình cảm con người Đà Nẵng đã thấm sâu cả vào lĩnh vực kinh tế, tạo thành sức mạnh cộng hưởng, đưa địa phương này trở thành hình mẫu của sự phát triển, vươn lên hàng đầu. Đây là một ý kiến rất đáng suy nghĩ, đáng quan tâm. Đúng như Kết luận số 79-KL/TW, thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế; xây dựng “nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng.
Điều cần quan tâm đặc biệt hiện nay là các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố cần quán triệt, ban hành chương trình hành động triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu ra trong Kết luận số 79-KL/TW để đạt được những hiệu quả cụ thể, tạo sự phấn khởi lạc quan, tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thắng lợi của việc thực hiện kết luận cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ là cơ sở vững chắc để Đảng bộ thành phố chuẩn bị tốt nội dung tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XXII, đề ra phương hướng nhiệm vụ của Đại hội đảng bộ lần thứ XXIII sắp tới.
NẠI HIÊN