Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định bao gồm 5 điều: yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Đây được xem như một hệ thống những chuẩn mực đạo đức cụ thể mà mỗi cán bộ, đảng viên cần có và cần rèn luyện hằng ngày.
Một trong những chuẩn mực được nhấn mạnh trong quy định là trung thực, tự trọng danh dự, phẩm giá: trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu. Mỗi người cần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín (điều 3).
Nếu như trước đây việc nêu gương chỉ nói đến cá nhân cán bộ, đảng viên, thì nay quy định nói đến việc nêu gương của người thân, vợ con người đứng đầu. Việc nêu gương này không khó, ít nhất là yêu cầu gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, một nội dung mới được nêu trong quy định là thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Nếu vấn đề này được thực hiện tốt sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong đời sống khi vị trí lãnh đạo sẽ được nhường lại cho người có khả năng và có sự tín nhiệm của cấp dưới.
Những năm qua, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, tiêu cực đã được triển khai sâu rộng, quyết liệt trong toàn đảng. Nhiều nghị quyết, kết luận được ban hành về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiều cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, không gương mẫu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được bổ sung, hoàn thiện, như: Luật Phòng chống tham nhũng, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Cũng gần hai năm qua, các ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do người đứng đầu cấp ủy đảng trực tiếp làm trưởng ban được thành lập ở Trung ương và các địa phương. Cả hệ thống chính trị vào cuộc trong cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực và đã gặt hái được những kết quả quan trọng. Quy định số 144-QĐ/TW khi đi vào cuộc sống cũng sẽ có căn cứ, chế tài để xử lý nghiêm những người vi phạm quy định thông qua sự giám sát của nhân dân, thể hiện ở Điều 6 trong quy định, phần tổ chức thực hiện. Có sự giám sát của nhân dân, những vi phạm của cán bộ, đảng viên sẽ khó bị bỏ lọt, như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc bồi đắp đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa sâu sắc, là căn cứ chính trị để chọn ra người đủ đức, đủ tài để cấp ủy các cấp chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho đại hội đảng các cấp sắp tới, tiến tới đại hội lần thứ XIV của Đảng. Thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TW để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là một trong những yếu tố chính quyết định đến uy tín, năng lực lãnh đạo của đảng trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau.
HOÀNG NHUNG