Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch thông qua những con số tăng trưởng ấn tượng mà Cục Du lịch Quốc gia công bố cho thấy du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tháng 6, cả nước đón hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách 6 tháng đầu năm hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; có 14 triệu người Việt đi du lịch trong nước trong tháng 6, cộng dồn 6 tháng là 66,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 2,5 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin được nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024, ngành du lịch đứng vị trí thứ 4 trong 11 kết quả nổi bật của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2024. Trong khi 6 tháng đầu năm 2023 ngành du lịch thu được lợi nhuận là 343.100 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm nay con số này là 436.500 tỷ đồng. Cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2019, trước dịch Covid-19 ở mức 338.200 tỷ đồng. Như vậy sự phục hồi của ngành du lịch đạt cả về số lượng và chất lượng.
Đóng góp vào con số ấn tượng đó là 2 triệu lượt khách quốc tế và 3,1 triệu khách nội địa của ngành du lịch Đà Nẵng. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 16.344 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023, đạt 53,06% so với kế hoạch năm 2024, trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 59,2%; số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,38 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 1,45 ngày/lượt, khách trong nước là 1,31 ngày/lượt.
Sau mùa lễ hội pháo hoa kéo dài hơn một tháng, chương trình kích cầu tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2024 mang tên “Tận hưởng Đà Nẵng” thu hút thị trường với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Chương trình giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc đồng thời gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch đến Đà Nẵng với hơn 10.000 voucher miễn phí và ưu đãi giảm giá. Các sản phẩm du lịch mới 2024 theo từng giai đoạn sẽ được ra mắt phục vụ nhu cầu của khách du lịch: trình diễn nhạc nước; trình diễn múa rối nước (Cultural Show); trình diễn moto nước, flyboard kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và pháo hoa (Danang River Show)… Nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống và hiện đại kết hợp thưởng thức ẩm thực đường phố và chiêm ngưỡng cảnh đẹp Đà Nẵng về đêm, giới thiệu một thành phố du lịch an bình, văn minh, hiện đại, phù hợp với nhiều dạng khách hàng khác nhau. Chưa hết, tour trải nghiệm ẩm thực (Danang Food Tour) quảng bá các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, giới thiệu đến du khách những món ngon phải thử khi đến Đà Nẵng, đặc biệt là danh sách 36 nhà hàng, quán ăn được tổ chức ẩm thực danh giá nhất thế giới Michelin Guide lựa chọn mới đây sẽ tăng thêm sự lựa chọn trong kỳ nghỉ hấp dẫn của du khách.
Nhiều năm về trước, những người làm du lịch giới thiệu Đà Nẵng là điểm đến, khi thành phố hội đủ các điều kiện về giao thông như sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, nhưng đặt chân đến thành phố xong, du khách đi luôn về Hội An, vào Mỹ Sơn, hay ra cố đô Huế. Thì nay dù lên núi hay xuống biển, thì một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh Mỹ Khê, núi trong lòngthành phố Sơn Trà đều là điểm đến đáng để trải nghiệm. Chưa kể đến các địa chỉ văn hóa như các bảo tàng, chợ, nhà thờ, chùa… đều đủ sức níu chân du khách. Ban ngày Đà Nẵng hiền hòa, dễ thương là vậy, thì ban đêm thành phố như cô gái đẹp rực rỡ giữa lễ hội hóa trang, có các dịch vụ du lịch đêm tô điểm. Giờ, chỉ cần đến Đà Nẵng, du khách có rất nhiều địa chỉ để khám phá, trải nghiệm. Là thành phố đáng đến và đáng sống, khi thành phố xác định phát triển ngành du lịch toàn diện và bền vững, giúp gia tăng sức hút.
Mỗi địa phương lại có những chính sách thu hút khác nhau, như Đà Nẵng thí điểm một số ưu đãi thu hút khách Hàn Quốc quay lại. Hiện Hàn Quốc đang dẫn đầu lượng khách đến Việt Nam với 2,2 triệu lượt trong 6 tháng, khách Trung Quốc đạt 1,8 triệu lượt. Hai thị trường này đóng góp đến 47% tổng số lượt khách quốc tế.
Ngoài các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á thì đáng chú ý là các thị trường châu Âu cũng có lượng du khách khá đông đảo, chi tiêu cao như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển… Đây là những nước được hưởng chính sách thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, áp dụng từ trung tuần tháng 8 năm 2023. Dù trong mùa thấp điểm nhưng những sản phẩm du lịch, những ưu đái hấp dẫn, những món ăn ngon, giá cả phải chăng giúp giữ khách ở lại lâu hơn, chịu chi tiêu hơn cũng là một giải pháp hút khách.
Hiện du lịch nội địa đang trong mùa cao điểm. Tháng 4 vừa qua, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa mang tên “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được nhiều địa phương hưởng ứng, tung ra các gói sản phẩm hấp dẫn, tổ chức sự kiện, lễ hội sôi động để thu hút khách.
Ngành công nghiệp không khói - du lịch đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, định hướng phát triển xuyên suốt tại Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”, vấn đề còn lại là các địa phương tạo ra và tận dụng lợi thế, sáng tạo các sản phẩm để thu hút khách đến và quay lại.
HOÀNG NHUNG