Năng lực công dân số - Chìa khóa để phát triển thành phố thông minh

.

Đà Nẵng vừa trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành khung năng lực công dân số, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố thông minh. Đây là nỗ lực nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện của thành phố trong kỷ nguyên công nghệ số.

Việc ban hành khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố là một trong những nội dung nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Công dân số là thuật ngữ để chỉ những người có khả năng sử dụng các công nghệ số một cách thành thạo, an toàn và có trách nhiệm. Có 9 thành tố tạo nên công dân số là khả năng truy cập vào những nguồn dữ liệu số, có thể tương tác trong không gian số, kỹ năng số cơ bản, mua bán sản phẩm trên internet, chuẩn mực đạo đức trong không gian số, nghĩa vụ và trách nhiệm ở không gian số, xác thực - định danh, thông tin cá nhân và quyền riêng tư trong không gian số.

Khung năng lực số cho công dân Đà Nẵng bao gồm 5 lĩnh vực: thông tin và dữ liệu; truyền thông và cộng tác; tạo lập nội dung số; bảo vệ và an toàn; môi trường kỹ thuật số; chi tiết với 17 năng lực số thành phần và 173 tiêu chí đánh giá. Trong đó, mỗi năng lực số thành phần sẽ mô tả cụ thể tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, thái độ và được đánh giá theo 5 mức độ thông thạo: bắt đầu, cơ bản, khá, cao, nâng cao.

Khung năng lực số cho công dân là cơ sở để cơ quan, địa phương xây dựng và triển khai: tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân hiệu quả hơn; áp dụng các chính sách, giải pháp, hỗ trợ trang bị công cụ số cần thiết cho người dân; đặc biệt là triển khai các ứng dụng, hệ thống chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân… góp phần thúc đẩy triển khai thành công chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố.

Thông qua các tiêu chí trong khung năng lực số, công dân thành phố biết, nắm rõ hơn về các kỹ năng số để tương tác, kết nối, làm việc trên môi trường số, từ đó chủ động tham gia các khóa học, tập huấn và trang bị công cụ nhằm cải thiện năng lực số. Năng lực công dân số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của một thành phố. Để thành phố có thể thực sự trở thành thành phố thông minh, không chỉ cần có hạ tầng công nghệ tiên tiến, mà quan trọng hơn cả, chính là sự tham gia tích cực và hiệu quả của mỗi người dân vào quá trình này.

Khi người dân có đủ năng lực để sử dụng các công nghệ số, họ có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như làm thủ tục hành chính. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, mà còn góp phần làm giảm áp lực lên hệ thống hành chính, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.

Sự phát triển của kinh tế số phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người dân và doanh nghiệp. Khi các công dân có khả năng nắm bắt và áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, họ có thể thúc đẩy sự phát triển của thị trường số, mở rộng cơ hội kinh doanh và tăng cường tính cạnh tranh của thành phố. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thành phố có xu hướng phát triển chuyên ngành công nghiệp công nghệ cao như Đà Nẵng.

Với năng lực công dân số, người dân có thể tiếp cận các tiện ích và dịch vụ số như y tế trực tuyến, giáo dục từ xa, giải trí số và quản lý tài chính cá nhân thông minh qua các ứng dụng công nghệ. Từ đó, họ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, tối ưu hóa thời gian và tài chính, đồng thời nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Công dân có thể sử dụng mạng xã hội và nền tảng trực tuyến để kết nối cộng đồng, chia sẻ kiến ​​thức, giải quyết các vấn đề xã hội và tham gia vào các hoạt động sáng tạo. Điều này tạo ra một môi trường cộng đồng sôi động, nơi mỗi cá nhân đều có thể đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Việc thành phố Đà Nẵng ban hành khung năng lực công dân số là một bước tiến lớn trong chiến lược chuyển đổi số của thành phố, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng thành phố thông minh trong tương lai. Khung năng lực này không chỉ định rõ những kỹ năng và kiến ​​thức cần thiết mà công dân Đà Nẵng cần có mà còn tạo điều kiện để người dân có thể tự rèn luyện và phát triển những kỹ năng này. Đây là cơ sở để xây dựng một cộng đồng công dân số hiện đại, nơi mà mọi người dân đều có thể tham gia và đóng góp vào sự phát triển của xã hội, là tiền đề quan trọng để Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố thông minh và phát triển bền vững.

HOÀNG ANH

;
;
.
.
.
.
.