Tạo môi trường học tập thuận lợi, đồng đều cho học sinh

.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan, tháng 11-2023, trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hòa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Sở GD&ĐT tổng hợp số lượng hơn 5.000 máy điều hòa, dự kiến kinh phí hơn 98 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó nêu ý kiến việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hòa sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì... Đối với trường đề xuất kinh phí từ xã hội hóa phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Trên cơ sở đề nghị này, Sở GD&ĐT triển khai các quận, huyện ghi nhận thông tin.

Thực tế những năm qua, nhiều trường học ở địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê… đã tổ chức lắp điều hòa trong các lớp học, phòng bộ môn, phục vụ tốt việc dạy và học trong điều kiện thời tiết nắng nóng, được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Vui hơn là ở những trường đã xã hội hóa lắp đặt máy điều hòa, mùa nắng nóng tuy nhiên không còn cảnh học sinh ngồi học mà mồ hôi nhễ nhại trong lớp. Trong khi đó, chi phí lắp máy điều hòa trong một lớp học không tốn kém nhiều.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hải Châu phân tích, mỗi phòng học lắp 2 máy điều hòa theo hình thức xã hội hóa với nguồn kinh phí khoảng 15 - 20 triệu đồng, mỗi phụ huynh đóng góp chưa tới 500.000 đồng/40 học sinh/lớp. Riêng tiền điện, nhà trường chi trả từ ngân sách và phí dịch vụ bán trú, phụ huynh không phải đóng góp hằng tháng. Và cũng nhờ xã hội hóa, 48 phòng học, phòng bộ môn, phòng làm việc của nhà trường được mắc điều hòa, tạo thuận lợi trong việc học tập, ngủ nghỉ buổi trưa của học sinh bán trú.

Rõ ràng, việc lắp đặt điều hòa ở các trường học theo hình thức xã hội hóa như nhiều trường đã làm là việc không khó, chi phí tốn kém không nhiều, mang lại lợi ích khá lớn cho việc dạy và học ở các trường. Tuy nhiên, số lượng trường mắc điều hòa trong lớp học trên địa bàn thành phố hiện nay chưa nhiều, dẫn đến sự bất bình đẳng trong giáo dục, sự thụ hưởng của học sinh không như nhau. Hay nói khác hơn, cùng sinh sống ở địa bàn thành phố nhưng có những học sinh được ngồi học trong điều kiện mát mẻ dưới máy điều hòa và có nhiều em phải chịu cảnh ngồi học dưới máy quạt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Tình trạng này vô hình chung tạo sự so bì trong học sinh.

Tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, xu hướng nắng nóng kéo dài. Không hà cớ gì phụ huynh để con em mình chịu thiệt thòi phải ngồi học, ngủ nghỉ trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Có chăng, do cách làm chưa khéo léo, cào bằng của các trường nên chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh mà thôi.

Năm học mới 2024-2025 đã trôi qua gần 1 tháng. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhiều học sinh ở các trường chưa xã hội hóa lắp đặt máy điều hòa phải chịu cảnh ngồi học dưới máy quạt nóng nực. Và để xua tan cái nắng nóng hầm hập trong lớp học, chỉ cần cách làm khéo, sự quyết tâm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, lãnh đạo các trường thì việc phủ kín máy điều hòa ở trường học không khó để thực hiện. Riêng với địa bàn còn khó khăn như huyện Hòa Vang, có thể sử dụng nguồn ngân sách, đồng thời huy động một phần xã hội hóa từ phụ huynh để mắc điều hòa ở các trường học.

Khi người lớn quan tâm, nhiệt tình và đồng lòng sẻ chia thì tất cả trẻ em trên địa bàn thành phố sẽ được thụ hưởng như nhau và các em sẽ được học tập trong môi trường ngày càng hiện đại, văn minh!

BÌNH MINH

;
;
.
.
.
.
.