Đổi mới công tác cán bộ

.

Tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản vừa tổ chức, vấn đề đổi mới công tác cán bộ được nhấn mạnh là một trong những động lực rất quan trọng để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Hội thảo khẳng định, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao, có thời cơ nhiều, vận hội lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng rất gay gắt. Do đó, chỉ khi làm tốt công tác cán bộ, mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa. Hội thảo đã chỉ ra những điểm nghẽn trong công tác cán bộ hiện nay. Đó là đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường...
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm…

Vẫn còn biểu hiện lạm quyền, lộng quyền, tư tưởng tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ của một số người đứng đầu. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm trong công tác cán bộ còn chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Ở một số nơi, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu chưa phản ánh đúng thực chất, vẫn còn trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Đặc biệt, công tác quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương, còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”.

Hội thảo nêu giải pháp cần tập trung thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Mỗi người đứng đầu phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, nhất là về phẩm chất, năng lực, uy tín để toàn cơ quan, đơn vị noi theo. Cần đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Bởi, quy hoạch cán bộ là nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm sự chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Để làm tốt điều đó, công tác quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Qua đó, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo.

Công tác quy hoạch, bồi dưỡng cần chú ý bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ để họ được rèn luyện, thử thách và ngày càng trưởng thành, có điều kiện tham gia cấp ủy. Cán bộ được luân chuyển theo quy hoạch phải là người thực sự có năng lực và triển vọng phát triển. Đặc biệt, khâu đánh giá, nhận xét cán bộ phải công tâm, khách quan, thực chất.

Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong đó, phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế. Phải hoàn thiện thể chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Để thực hiện mục tiêu đưa đất sang giai đoạn phát triển mới, đổi mới công tác cán bộ là nhiệm vụ được quyết định đầu tiên, là nền tảng quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới công tác cán bộ không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng mà còn là kỳ vọng của toàn dân tộc. Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đổi mới sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng, nơi đội ngũ cán bộ thực sự là “công bộc của dân” dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đầy tự tin và tự hào.

CHU VĂN

;
;
.
.
.
.
.