Đồng thuận để phát triển Đà Nẵng

.

Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18-11 hằng năm được Mặt trận các cấp chủ trì triển khai thực hiện, trở thành ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, là nét đẹp văn hóa, tâm điểm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hiện nay, Thành ủy Đà Nẵng bổ sung ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm lớn hằng năm. Đây chính là tiền đề để Mặt trận các cấp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trở thành nguồn nội lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển thành phố. Năm nay, ngày hội được tổ chức theo chủ đề xây dựng khu dân cư: tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Ngày hội mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ở khu dân cư. Đây là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để lãnh đạo thành phố và các địa phương, đơn vị tham dự, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; trao đổi, giải đáp những vấn đề được người dân quan tâm. Thông qua ngày hội, phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; vận độ

ng các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, hội trại, các địa phương còn giới thiệu, trưng bày sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP; các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội, trợ giúp người khó khăn, thăm hỏi trao tặng quà, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trồng cây, trồng hoa trên các tuyến đường dân sinh; tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” thân tình và đầm ấm.

Năm nay ở phố có nơi mở hội, có nơi chỉ làm lễ, còn hầu hết các thôn, xã của huyện Hòa Vang đều tổ chức lễ hội. Dịp này người dân thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong còn kết hợp với lễ tế Thu, cảm ơn đất trời cho một vụ mùa tươi tốt nên cả làng tắt bếp, cùng nhau vui chơi và ăn một bữa cơm ở đình làng. Dân làng tắt bếp nhà mình vào ngày hội Đại đoàn kết trở thành một phong tục đẹp, bắt đầu được duy trì nhiều nơi.

Thành phố cũng đề nghị nhiều thôn, khu phố tổ chức ngày hội tại các di tích lịch sử, đình làng, nhà văn hóa, nhà truyền thống... để kết hợp tuyên truyền, thắp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tôn vinh các giá trị văn hóa. Đây là dịp để mọi người cùng nhìn lại những thành tựu đạt được, đồng thời củng cố và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngày hội cũng là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển.

Đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trở thành truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc từ xưa tới nay. Ở đâu có thiên tai, hoạn nạn, người dân sẵn sàng giúp nhau.

Từng bàn tay chìa ra, từng trái tim chạm tới trái tim, cùng nhau gượng dậy. Sự san sẻ yêu thương luôn tiếp thêm sức mạnh giúp người nghèo, người khó hay từng cộng đồng nhỏ kiên cường vượt qua gian khó. Trên tinh thần đó, không chỉ trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, mà bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, mỗi người cần phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết, chung sức đồng lòng, xích lại gần nhau hơn, vì nghĩa đồng bào, là ý thức sẻ chia, là trách nhiệm xã hội của mỗi người, tạo nên sức mạnh chung của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ nhân lên thành sức mạnh dân tộc, cùng nhau góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.