Trong suốt chiều dài cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kinh yêu của chúng ta hết sức quan tâm, đó là nhiệm vô cùng quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn cán bộ, đảng viên về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa kết thúc, trong bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” đăng trên Báo Nhân dân, số 68, ngày 31-7-1952, Bác viết: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Bác còn có những lời kêu gọi, những cuộc nói chuyện chân tình, cởi mở về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm nguồn lực cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước cũng như đời sống hằng ngày.
Không chỉ căn dặn cán bộ, đảng viên mà chính người luôn nêu tấm gương sáng ngời về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Trong cuộc sống hằng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Bác luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm. Đặc biệt, trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, có nêu một chi tiết rất cảm động là “ngày 10-5-1969, từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969”. Nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta cũng đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết giấy một mặt, dùng chiếc phong bì 2, 3 lần. Rồi thật xúc động khi ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác làm cho tất cả chúng ta cảm động đến nao lòng khi người viết: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Quán triệt tư tưởng đó của người, trong nhiều thập niên qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, quy định và các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị trong việc mở rộng dân chủ rộng rãi ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng, gắn với phát động và động viên sự giám sát của nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”…
Quyết tâm chính trị đó của Đảng, Nhà nước ta là đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm để loại bỏ thứ giặc nội xâm ra khỏi đời sống xã hội nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn còn lãng phí thời gian, sức lao động, chi phí vật chất. Tình trạng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước của một số đơn vị, địa phương, một số doanh nghiệp chưa hiệu quả, còn lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, trong khai thác tài nguyên khoáng sản… Việc quy hoạch bố trí các dự án dàn trải, không hiệu quả, nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình kém chất lượng hoặc bỏ hoang nhiều năm liền gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng. Một loại lãng phí khác cũng đang gây bức xúc trong dư luận xã hội đó là bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, lãng phí chất xám, bố trí người chưa đúng chỗ, chưa thực sự quan tâm người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” như cách nói của Bác Hồ kính yêu. Bên cạnh đó, các loại “lãng phí” khác như: phô trương hình thức trong khởi công, khánh thành các công trình, trong bổ nhiệm cán bộ, trong hội họp, trong các ngày lễ Tết, kỷ niệm, hay các chuyến thăm quan, du lịch, học tập theo kiểu hình thức để quyết toán ngân sách…cũng tiêu tốn ngân sách Nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí”, trong đó nhấn mạnh: “Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”, đang được dư luận cả nước hết sức quan tâm.
Tổng Bí thư đề cập đến 4 mục tiêu quan trọng để “Chống lãng phí” đạt hiệu quả cao, đó là: Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Rõ ràng, vấn đề chống lãng phí không còn là chuyện nhỏ, mà trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống hằng ngày của mọi người, mọi nhà, của mọi cơ quan đơn vị và của cả hệ thống chính trị để tạo nên nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như cuộc sống của người dân.
Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.
LÊ MINH HÙNG