Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo vừa tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí. Theo đó, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; xây dựng văn hóa chống lãng phí; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Trước đó, Tổng Bí thư có bài viết “Chống lãng phí” phân tích sâu hơn về những tác hại của lãng phí đối với quốc gia và cuộc sống, đồng thời nêu một số giải pháp thiết thực nhằm phòng ngừa lãng phí, hướng tới xây dựng một văn hóa tiết kiệm và hiệu quả. Phòng, chống lãng phí được Tổng Bí thư quan tâm nhắc lại tại nhiều hội nghị và nhấn mạnh nhiệm vụ phòng, chống lãng phí phải có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãng phí có thể hiểu đơn giản là việc sử dụng các nguồn lực bao gồm tài nguyên, tiền bạc, thời gian và sức lao động một cách không hợp lý, dẫn đến thiệt hại mà lẽ ra có thể tránh được. Lãng phí tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, làm suy yếu khả năng cung cấp dịch vụ công cho người dân và làm giảm niềm tin vào hệ thống chính trị.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư chỉ rõ một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Tổng Bí thư kêu gọi phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao để thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, như: xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; đưa vào các nội quy của từng cơ quan, hương ước của từng thôn xóm; quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xử lý các vi phạm từ hành chính, đến mức cao nhất là hình sự. Tổng Bí thư chỉ đạo, khẩn trương ban hành hướng dẫn những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí, trong đó nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về việc tiết kiệm và chống lãng phí, biến điều này trở thành một phần của văn hóa tổ chức và cộng đồng. Các cơ quan nhà nước cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc phê duyệt và triển khai các dự án; xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả để ngăn chặn các hành vi lãng phí; minh bạch trong việc quản lý tài chính, đặc biệt là khi sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn lãng phí mà còn tạo niềm tin cho người dân vào việc quản lý của Nhà nước.
Các cấp lãnh đạo, từ Trung ương đến địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và giám sát công cuộc chống lãng phí. Việc lãnh đạo đề cao tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là một phương pháp để nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo động lực để các tổ chức, cá nhân trong xã hội noi theo.
Lời kêu gọi chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một thông điệp mà là lời hiệu triệu cho toàn thể xã hội bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn lực quý giá. Để đạt được điều này, mỗi cá nhân, tổ chức cần thực hiện những giải pháp cụ thể trong cuộc sống và công việc, từ việc giảm thiểu lãng phí tài nguyên hằng ngày đến nâng cao tinh thần tiết kiệm. Một xã hội biết trân trọng nguồn lực và phát huy hiệu quả sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển bền vững, hướng tới một Việt Nam phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
CHU VĂN