Hôm nay (14-2), Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Thông tư ra đời với rất nhiều điểm tiến bộ, nếu đi vào cuộc sống sẽ ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giáo dục, hướng tới một môi trường giáo dục công bằng, minh bạch hơn.
Thông tư số 29, nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Khi dạy thêm được kiểm soát chặt chẽ, giáo viên sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, tránh tình trạng dạy ít trong lớp, dạy nhiều ngoài lớp. Việc này cũng đảm bảo công bằng hơn trong học tập.
Học sinh không có điều kiện đi học thêm vẫn có thể tiếp cận đủ kiến thức từ chương trình chính khóa. Đặc biệt, việc này sẽ góp phần hạn chế áp lực học tập, giúp học sinh giảm căng thẳng và có thời gian phát triển kỹ năng khác. Thông tư cũng tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp dạy thêm sai quy định, thay đổi tư duy của phụ huynh, học sinh về việc học thêm không phải là con đường duy nhất để đạt điểm cao.
Dư luận xã hội phản ánh cho thấy Thông tư số 29 vừa được người dân, phụ huynh học sinh đón nhận trong sự vui mừng, phấn khởi, nhưng cũng xen lẫn nỗi lo có thể sẽ nảy sinh nhiều hình thức đối phó với quy định mới về dạy thêm, học thêm… Do vậy, cần phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá, thi cử đổi mới một cách thực chất, giảm áp lực. Nếu không thay đổi mà vẫn tiếp cận kiểm tra, đánh giá dựa chủ yếu vào nội dung, ghi nhớ kiến thức thì nhu cầu học thêm và lạm dụng học thêm vẫn chưa thể dứt điểm.
Người dân kỳ vọng cùng với công tác quản lý về dạy thêm, học thêm phải có chính sách bảo đảm cho giáo viên sống được bằng lương, trả mức lương tương xứng để giáo viên yên tâm với nghề, không chân trong chân ngoài dạy chính, dạy thêm. Một khi việc dạy thêm được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, giáo viên phải dạy hết trách nhiệm của mình và học sinh không còn trông chờ vào việc học thêm để hiểu bài mà phải chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức.
Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp trong việc xây dựng kỹ năng tự học cho học sinh, hình thành thói quen tự học như một nhu cầu tự thân. Bởi bồi dưỡng năng lực tự học là cách tốt nhất để tạo ra động lực mạnh mẽ cho quá trình học tập, giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, kỹ năng tự nghiên cứu là những yếu tố quan trọng để thành công trong học tập và cuộc sống sau này.
Ngày 7-2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các địa phương và đơn vị liên quan về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Người dân kỳ vọng cùng với việc đưa Thông tư số 29 đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan sát, nắm bắt tình hình để hoàn thiện quy định cấm dạy thêm, học thêm đi vào thực chất.
CHU VĂN