Trong bài viết “Học tập suốt đời” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với từng cá nhân, mỗi công dân, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên trong hệ thống chính trị.
Bài viết nêu, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để “sánh vai” với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc. Cách mạng 4.0 đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số khiến một phần nội dung giảng dạy tại nhà trường hôm nay có thể thành lạc hậu, lỗi thời sau vài năm...
Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời giúp mỗi thành viên trong xã hội có đủ điều kiện và cơ hội tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, của gia đình, họ tộc, thôn, xóm, phường, xã và cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trên con đường trở thành quốc gia dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương học tập suốt đời vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng tới chất lượng; việc tự học, thực học của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đạt kết quả như mong muốn; còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn; ngại khó, ngại khổ trong học tập...
Tình trạng này dẫn đến hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ nghĩa cá nhân, bệnh kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân; ảnh hưởng đến tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo, không đủ nền tảng kiến thức và tự tin về năng lực đề xuất, thực hiện những sáng kiến, giải pháp đột phá.
Có thể thấy, trong thời đại hiện nay, kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công nghệ, kinh tế... thay đổi nhanh chóng. Việc cập nhật kiến thức thường xuyên giúp cán bộ, đảng viên đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp thực tiễn, từ đó giúp địa phương, đất nước phát triển. Cùng với đó, việc hiểu biết về xã hội số, tư duy số, chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Cán bộ, đảng viên phải học hỏi các xu hướng công nghệ mới để bảo đảm hiệu quả quản lý và đưa đất nước theo kịp thời đại.
Do đó, việc học tập liên tục giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ và tận dụng những cơ hội mà khoa học công nghệ mang lại, đồng thời đề ra chính sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời đại số. Một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ sẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân một cách hiệu quả mà còn trở thành tấm gương sáng về học tập trong xã hội, khuyến khích tinh thần cầu tiến, sáng tạo và đổi mới trong cộng đồng.
Nhiệm vụ học tập của cán bộ, đảng viên có thể được chứng minh qua việc áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, thể hiện sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề, tiếp thu ý kiến từ người dân và cải thiện chính sách dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội.
Việc học tập giúp cán bộ, đảng viên phát triển tư duy phản biện khoa học, không ngừng đặt câu hỏi, phân tích và đánh giá vấn đề một cách khách quan. Nhờ đó, họ có thể nhận diện những hạn chế trong chính sách, kịp thời điều chỉnh sai sót và đề xuất giải pháp hiệu quả. Tư duy phản biện cũng giúp cán bộ, đảng viên dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng đột phá vì lợi ích chung.
Cán bộ, đảng viên cần thường xuyên cập nhật kiến thức, tăng cường tiếp xúc với thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ cơ sở và nhân dân. Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại, sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc, từ đó tạo ra sự đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo và quản lý, điều hành.
Học tập suốt đời không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Việc không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ sẽ giúp đội ngũ lãnh đạo đưa ra những quyết sách đúng đắn, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Đồng thời, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kim chỉ nam giúp cán bộ, đảng viên thực sự “vừa hồng, vừa chuyên” như lời Bác căn dặn. Đây không chỉ là việc rèn luyện tri thức mà còn là quá trình tu dưỡng đạo đức, lối sống, nhằm phụng sự nhân dân, đất nước một cách tận tâm và hiệu quả nhất.
CHU VĂN