Chính sách hợp lòng dân

.

Tại phiên họp ngày 28-2, Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập toàn quốc từ năm học 2025-2026. Đây là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em ở độ tuổi các bậc học này. Chính sách này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận tri thức.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), trong đó 3,1 triệu trẻ mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu trẻ mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 3 triệu học sinh THPT.

Quyết định miễn học phí cho học sinh công lập từ bậc mầm non đến THPT thể hiện rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo giáo dục là quyền lợi cơ bản của mọi công dân.

Đây không chỉ là một chính sách hỗ trợ tài chính đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Chính sách này giúp giảm bớt áp lực tài chính cho các gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp và trung bình. Học phí tuy không phải là khoản chi lớn nhất trong chi phí giáo dục, nhưng với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận giáo dục mà không bị rào cản bởi điều kiện kinh tế gia đình.

Việc miễn học phí sẽ thúc đẩy bình đẳng giáo dục, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện kinh tế, bảo đảm quyền được học tập của mọi trẻ em, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách tạo điều kiện để hệ thống trường công lập thu hút thêm học sinh, từ đó tăng động lực cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giáo viên và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đối với Đà Nẵng, thành phố đã thực hiện chính sách an sinh xã hội này từ 4 năm trước (năm học 2021-2022) và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo nghị quyết của HĐND thành phố, trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập, kể cả học viên học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông; trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông ngoài công lập (không hỗ trợ cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài) được hỗ trợ 100% học phí.

Việc miễn học phí đã giúp giảm đáng kể áp lực tài chính cho phụ huynh, đồng thời tăng tỷ lệ học sinh đi học đầy đủ, hạn chế tình trạng bỏ học. Thông qua báo chí, dư luận nhiều người dân các địa phương khác cũng khen ngợi, đánh giá cao việc Đà Nẵng dành ngân sách hằng năm để đem lại phúc lợi cho người dân.

Đà Nẵng còn đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất giáo dục và cải thiện chất lượng giảng dạy. Kết quả là hệ thống giáo dục của thành phố có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những địa phương có chất lượng giáo dục cao. Đây là một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chính sách miễn học phí và là mô hình tiêu biểu trong nước.

Dù có nhiều lợi ích, việc miễn học phí trên phạm vi toàn quốc cũng đặt ra thách thức. Thứ nhất, nguồn ngân sách để bù đắp khoản thu từ học phí cần được tính toán kỹ lưỡng. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh trong phân bổ ngân sách giáo dục cũng như các chính sách tài chính đi kèm để đảm bảo tính bền vững. Việc miễn học phí có thể tạo áp lực lên hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Do vậy, cần có kế hoạch đầu tư kịp thời để đảm bảo chất lượng dạy và học không tỉ lệ nghịch với chính sách miễn học phí.

Kinh nghiệm từ Đà Nẵng cho thấy, chính sách miễn học phí mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh, thúc đẩy bình đẳng giáo dục mà còn tạo động lực để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại, công bằng và bền vững.

CHU VĂN

;
;
.
.
.
.