Bổ sung quan trắc chất lượng nước, không khí, đất, sinh học biển

.

Chiều 30-11, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo Xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương khẳng định, giai đoạn 2014-2020, thành phố đã xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí, nước và đã quan trắc, xử lý cơ bản đạt các yêu cầu, mục tiêu đặt ra, góp phần thực hiện tốt đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2008 - 2018. Hiện nay, thành phố đang hoàn thiện đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030 với 27 thông số cụ thể thuộc 4 nhóm tiêu chí (phòng ngừa ô nhiễm; cải thiện môi trường; bảo tồn thiên nhiên và tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức) đặt ra những nhiệm vụ mới cho công tác quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố.

Việc xây dựng, thực hiện đề án Xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường với mục tiêu các thành phần môi trường (đất, nước, không khí, sinh vật...) đều được quan trắc thường xuyên. Từ đó, có các biện pháp quản lý, quy hoạch, kế hoạch quản lý môi trường cũng như ngăn chặn, kiểm soát các vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường..., góp phần thực hiện thành công đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã có những góp ý về xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường. Trong đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trần Quân, giai đoạn 2021-2025, cần thiết xây dựng thêm 3 trạm quan trắc thủ công nước tại sông Yên, Quá Giáng và Cổ Cò, nâng tổng số trạm quan trắc nước sông lên 12 trạm. Bổ sung thêm 6 trạm quan trắc chất lượng nước hồ Đảo Xanh, Bàu Trảng, Trung Nghĩa 2, Hòa Phú, hồ ở dọc tuyến đường Nguyễn Phước Tần và Lê Kim Lăng, hồ ở Khu dân cư E1 - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, nâng tổng số trạm quan trắc nước hồ lên 12 trạm. Đồng thời, đề xuất quan trắc thủ công trầm tích 5 vị trí trên hệ thống sông Hàn và Cu Đê; quan trắc thủ công môi trường đất nông nghiệp và đất công nghiệp tại 8 vị trí; quan trắc sinh học biển tại 15 vị trí; giữ nguyên vị trí các trạm quan trắc và thông số quan trắc đã thực hiện trong giai đoạn 2014-2020 đối với 9 trạm quan trắc nước dưới đất, 10 trạm quan trắc nước biển, 56 trạm quan trắc môi trường không khí theo phương pháp thụ động. Ngoài ra, đề xuất tổng kinh phí vận hành, bảo dưỡng thiết bị hằng năm và đào tạo bồi dưỡng nhân lực trong giai đoạn 2021-2025 gần 29 tỷ đồng.

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường cho rằng, cần cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường công khai cho người dân trong việc cảnh báo chất lượng môi trường để chủ động trong các hoạt động của con người. 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.