Sống ở Mỹ nhưng trái tim luôn hướng về quê hương. Chàng trai người Đà Nẵng đã quyết tâm trở về và khởi nghiệp trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn…
Lê Nguyễn Duy Tân (trái) và sản phẩm của mình đồng hành với cuộc thi Sinh viên tài năng thanh lịch Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NAM BÌNH |
Khát khao trở về
Năm 22 tuổi, Lê Nguyễn Duy Tân (sinh năm 1993) cùng gia đình sang Mỹ định cư. Nhưng chàng trai người Đà Nẵng luôn thao thức nỗi nhớ quê nhà. Tân tâm sự: “Lạ lắm, cứ nhớ hết món này đến món kia, nhớ từng góc phố, con đường, nhớ cả hương vị riêng biệt của Đà Nẵng mà không nơi nào có được…”.
Niềm mong mỏi trở về quê hương nhen nhóm và ngày càng bùng cháy trong Tân. Tuy nhiên, khao khát ấy vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người quen biết đang cư ngụ tại Mỹ. Nhưng chàng trai không từ bỏ ý định. Sau một thời gian trăn trở, Tân quyết tâm xây dựng kế hoạch khởi nghiệp với nghề kinh doanh mỹ phẩm thiên nhiên ở quê nhà. “Lúc còn ở Đà Nẵng, mặc dù học ngành tiếng Thái Lan của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) nhưng tôi lại thích nghề làm đẹp. Do đó, bên cạnh việc dạy kèm tiếng Thái Lan, tôi còn làm thêm nghề trang điểm. Cũng nhờ vậy, tôi đã tích cóp tiết kiệm vốn liếng được cho riêng mình một khoản nho nhỏ cũng như kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp…”, Tân chia sẻ.
Nghĩ là làm, Tân tham gia khóa học về điều chế mỹ phẩm thiên nhiên ở Mỹ, tích lũy kinh nghiệm từ công việc tại spa của gia đình, mày mò nghiên cứu nguyên liệu, hương liệu…
Sau đó, Tân gọi điện về cho người bạn là Phan Ngọc Trung (sinh năm 1986) để chia sẻ khao khát trở về và khởi nghiệp; đồng thời nhờ anh Trung góp ý, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đầu năm 2016, Tân trở về Việt Nam, tham gia khóa học về điều chế mỹ phẩm tại Sài Gòn. Quãng thời gian sau đó, Tân bận rộn đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để chính thức bắt đầu hành trình khởi nghiệp với son môi.
Đó là giai đoạn đầy thử thách đối với anh khi quá trình sản xuất vô cùng nan giải. Ở Việt Nam không có sẵn nguồn nguyên liệu organic, Tân phải lặn lội tìm kiếm và nhập khẩu từ châu Âu về.
“Mỗi lần tìm được nguyên liệu vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với thời tiết Việt Nam và đúng ý mình rất khó khăn. Vì thế, khi chờ đợi nguyên liệu được nhập khẩu về đến Đà Nẵng, tôi rất háo hức. Cũng bởi vậy, lúc nguyên liệu hư hỏng trong quá trình vận chuyển, tôi vô cùng thất vọng. Không phải vì phải bỏ toàn bộ nguyên liệu mà vì phải chờ đợi…”, Tân kể. Có được nguyên liệu chỉ là bước đầu trong quy trình sản xuất.
Xây dựng thương hiệu
Để có một dòng sản phẩm thành công, Tân phải nghiên cứu trong thời gian dài, hủy bỏ hàng trăm cây son không đạt. Cười vui, Trung nói: “Khi Tân nghiên cứu, sản xuất thì không ai được lại gần. Nhưng chỉ cần nhìn thái độ của Tân là biết ngay kết quả của việc sản xuất. Tân nhảy tưng tưng là có sản phẩm thành công, còn ủ ê, bỏ ăn bỏ uống thì biết là trục trặc trong lúc làm. Sau khi nghiên cứu thành công một màu son mới, Tân thường nhờ mẹ và người thân trải nghiệm sản phẩm và cho đánh giá. Khi nhận được phản hồi tốt, Tân mới tung ra thị trường…”.
Đến thời điểm hiện tại, Tân đã khẳng định thương hiệu của riêng mình qua dòng son thỏi với 27 gam màu và son kem với 7 gam màu. “Khi lựa chọn thương hiệu cho bản thân, anh Trung và tôi đã bàn bạc rất nhiều mới đi đến quyết định sử dụng tên Tan’s Beauty & Cosmetics.
Tên thương hiệu cũng là tên của chính mình, tôi muốn khẳng định chất lượng của thương hiệu bằng uy tín của cá nhân, tự nhắc nhở mình luôn phải đặt tiêu chí chất lượng, sự hài lòng của khách hàng lên trên hết…”, Tân cho biết. Với ý chí bền bỉ và quyết tâm của bản thân, cùng với sự hỗ trợ tích cực của những người bạn trong các khâu thiết kế, quảng bá…, Tân đã đưa ra thị trường khoảng 1.500 cây son và nhận được những phản hồi tích cực từ người sử dụng.
Tân hào hứng: “Lần đầu tiên “Tan’s Beauty & Cosmetics” làm quen với thị trường là tại hội chợ vào tháng 12-2016. Khi đó, cả nhóm cứ lo lắng, thắc thỏm mặt hàng mới sẽ không nhiều người mua nên không mang theo nhiều sản phẩm. Không ngờ, nhiều bạn trẻ sau khi trải nghiệm vô cùng thích thú, đã rủ theo bạn bè, người nhà quay lại mua ủng hộ và trở thành khách quen. Do đó, ngày đầu tiên, chúng tôi vô cùng bối rối khi không có đủ sản phẩm cung ứng…”.
Xác định quãng thời gian này là định hình thương hiệu, Tân không đặt nặng tiêu chí lợi nhuận trong kinh doanh. Mong muốn của Tân là những thỏi son do mình sản xuất có thể đến được với người dùng, thương hiệu son của người Việt Nam sẽ vươn xa trên thị trường quốc tế. Và để hiện thực hóa ước mơ của mình, chàng trai người Đà Nẵng đang kiên trì những bước đi chậm mà chắc chắn trên con đường chinh phục người tiêu dùng.
NAM BÌNH