Trước tình hình giá thịt heo trong nước “nhảy múa” như thời gian qua, nhiều dự báo đưa ra về thị trường thịt heo sẽ có nhiều biến động bất lợi nếu không có sự cảnh báo cũng như can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng.
Hộ anh Nguyễn Mười (thôn An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bỏ trống một số chuồng trại vì càng nuôi càng sợ lỗ. |
Chưa đầy một tháng qua, giá thịt heo trong nước từ chỗ “rớt đáy” chỉ 20.000 - 27.000 đồng/kg (heo hơi), bỗng tăng vọt lên 39.000 - 45.000 đồng/kg và mới đây giảm còn 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Chăn nuôi điêu đứng
Nhiều người chăn nuôi và kinh doanh bất ngờ bởi chưa bao giờ giá heo trong nước lên xuống thất thường như vậy. Mặc dù việc chăn nuôi heo của Đà Nẵng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tại chỗ, nhưng do ảnh hưởng chung của tình hình thị trường trong nước, người nuôi heo ở địa phương cũng điêu đứng theo. Anh Nguyễn Mười, chủ hộ chăn nuôi ở thôn An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) than thở: “Một con heo nuôi trong vòng 6 tháng khi xuất chuồng có trọng lượng khoảng 90-100kg, bán ra với giá 23.000 - 24.000 đồng/kg thì được khoảng 2,1 - 2,3 triệu đồng. Nếu trừ tiền con giống 700.000 đồng, tiền thức ăn cho heo gần 2 triệu đồng, chưa kể tiền tiêm phòng bệnh gia súc, công người chăn nuôi..., tính ra mỗi con heo lỗ 1 triệu đồng. Bán thì tiếc, không bán thì càng lỗ nặng. Cả bầy heo mấy chục con bỏ công sức nửa năm trời chừ trắng tay”.
Nhiều hộ chăn nuôi phải vay mượn, cầm cố giấy tờ đất đai để có vốn đầu tư ban đầu nhưng kết quả không như kỳ vọng. Chị Nguyễn Thị Châu (thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho hay, sau Tết Nguyên đán 2017, gia đình chị đầu tư hơn 200 triệu đồng mở rộng chuồng trại nuôi hơn 100 con heo lớn, nhỏ. Thế nhưng, lứa heo xuất chuồng hồi tháng 6 vừa qua không có người mua, cuối cùng chị bị chủ mua ép giá chỉ 23.000 đồng/kg. “Xuất được lứa heo mà buồn rười rượi. Tiếp tục thả lứa mới để giữ chuồng, giữ mối gom nước cơm rồi nuôi mấy tháng bán ra lại lỗ thì nuôi làm gì...”, chị Châu lo lắng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, qua khảo sát mới đây, trên toàn thành phố chỉ còn khoảng hơn 60.000 con heo các loại. So với cả nước, quy mô hộ chăn nuôi ở Đà Nẵng đa phần nhỏ, lẻ. Chỉ một số ít trang trại được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, nhưng trang trại lớn cũng không tránh khỏi sức ép giá cả. Ông Ông Văn Thông, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ (chủ trang trại heo ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) bộc bạch: “Tôi chăn nuôi bài bản với quy mô lớn mười mấy ngàn con heo nên khi gặp rủi ro phải chấp nhận lỗ lời. Mười mấy năm trong nghề nhưng chưa bao giờ tôi thấy chăn nuôi trong nước lại khốn đốn như vậy. Thời điểm heo giống, heo hơi không bán được, cứ một ngày trang trại chịu lỗ trên dưới 10.000 đồng/con. Cả chuồng trại không thể bán được để có chỗ cho heo mới sinh, nếu không mạnh vốn thì “chết” lâu rồi. Chỉ trong vòng 3 tháng, tôi đã lỗ trên 2 tỷ đồng, bởi tiền tiền cám cho heo một tháng mất gần 900 triệu đồng nên có khi không còn muốn nuôi heo nữa”.
Thiếu định hướng
Nhiều người dân đặt câu hỏi: vai trò quản lý và điều hành của Nhà nước ở đâu khi để người chăn nuôi tự bơi trong “biển giá”; tại sao không có sự can thiệp của cơ quan chức năng khi giá heo hơi của người nông dân chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg, mà sản phẩm tới tay người tiêu dùng đội lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nhiều ngày qua, ở địa phương, các sở, ngành chưa có biện pháp nào trợ giúp người chăn nuôi tìm kiếm đầu ra. Ngay cả việc hô hào “giải cứu” thịt heo mới chỉ là giải pháp “cắt ngọn”, bản thân người chăn nuôi vẫn lúng túng tìm cách cứu mình trước.
Thực tế, vì tiếc công tiếc của, người chăn nuôi tự giết mổ sản phẩm do mình làm ra để cố vớt vát chút vốn liếng, nhưng điều này gây xung đột về giá với tiểu thương bán lẻ ở các chợ. “Thời điểm không bán được heo, tôi gửi văn bản đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang để xin phép mổ heo bán lẻ, nhưng rồi ra chợ Túy Loan lại đụng chạm tới những người bán lẻ lâu năm... Tôi thấy việc chăn nuôi của người dân mình rất manh mún, tự phát; nếu không có sự định hướng từ các cấp ngành, e rằng để “tự bơi” thì vấn đề mất cân đối cung - cầu chắc chắn sẽ xảy ra như vừa qua. Ắt hẳn những tháng cuối năm, thị trường thịt heo sẽ còn biến động khó lường về giá”, ông Thông nói.
Nhận định tình hình trong thời gian tới, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng cho rằng: “Với những thiệt hại trong chăn nuôi và thị trường cung - cầu thịt heo mất ổn định như vừa qua, chắn chắn người nông dân sẽ phải tính toán lại cho hợp lý. Cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương sẽ khó can thiệp được tình hình giá cả nên theo tôi, nhiều khả năng những tháng tới sẽ có những khoảng trống thiếu, thừa về nguồn thịt heo khi quá trình tái tạo đàn heo cần có thời gian”.
Hiện nay, người chăn nuôi ở Đà Nẵng đều có chung mong muốn Nhà nước cần hỗ trợ, định hướng trong sản xuất, cũng như tìm đầu ra ổn định lâu dài, bởi chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ thì luôn đối mặt với rủi ro.
Tôi thấy việc chăn nuôi của người dân mình rất manh mún, tự phát; nếu không có sự định hướng từ các cấp ngành, e rằng để “tự bơi” thì vấn đề mất cân đối cung - cầu chắc chắn sẽ xảy ra như vừa qua. Ắt hẳn những tháng cuối năm, thị trường thịt heo sẽ còn biến động khó lường về giá” Ông Ông Văn Thông, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ (chủ trang trại heo ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH