Khắc phục sự cố tàu vỏ thép và tháo gỡ vướng mắc từ Nghị định 67

.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản các khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ và các Bộ, ngành tích cực tháo gỡ. Tuy nhiên còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục, chấn chỉnh đặc biệt là sự cố tàu vỏ thép hư hỏng ở một số địa phương.

2 tàu vỏ thép đầu tiên được bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi hồi tháng 5/2015. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
2 tàu vỏ thép đầu tiên được bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi hồi tháng 5/2015. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (ngày 1/8), tại Hà Nội.

Nhiều vướng mắc

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tính đến ngày 31/7 cả nước đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, về chính sách đầu tư các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão hiện chưa đồng bộ và chưa có sự quy định đối với các hạng mục: mái che, kho lạnh...

Đồng thời, ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế. Cụ thể, năm 2016, ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 949 tỷ đồng (giảm 22,5% so với năm 2015), trong đó vốn đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 125 tỷ đồng, địa phương quản lý 824 tỷ đồng.

"Thời gian gần đây đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng, kích thước và công suất tàu, trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu) chưa kịp thời đáp ứng được; nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải," Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do một số ngân hàng thương mại còn yêu cầu thêm tài sản thế chấp như: sổ đỏ hoặc tài sản khác bổ sung.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố tàu vỏ thép và dự thảo sửa đổi Nghị định 67 phù hợp với thực tiễn. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố tàu vỏ thép và dự thảo sửa đổi Nghị định 67 phù hợp với thực tiễn. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

 Mặt khác, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, về chính sách vay vốn lưu động, lãi suất cho vay cao, phương thức cho vay, cơ chế cho vay chưa phù hợp và chưa có cơ chế xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại nên chưa tạo được sự tích cực cho vay và ngư dân thấy quá phiền phức nên không muốn vay; vì vậy với mục đích của chính sách này là không để ngư dân phải lệ thuộc vào chủ nậu vựa để chuẩn bị cho các chuyến biển là chưa đạt được.

"Đặc biệt, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém .... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước,"Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng thừa nhận, do việc hướng dẫn và giám sát về thiết kế mẫu tàu cá chưa tốt nên nhiều cơ sở đóng tàu, chủ tàu và tư vấn thiết kế đã không áp dụng mẫu thiết kế đã được ban hành, viện cớ không phù hợp để thiết kế lại từ đầu đối với từng con tàu để tính chi phí thiết kế đơn chiếc dẫn đến chi phí đóng tàu tăng, thời gian thực hiện kéo dài. Các địa phương thiếu giám sát, phát hiện, kiến nghị hoặc chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.

Khắc phục sự cố tàu vỏ thép

Báo cáo tại Hội nghị về vấn đề 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng tại các tỉnh Trung Bộ gồm Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1) bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản), Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo và yêu cầu các địa phương tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với địa phương, cơ sở đóng tàu và ngư dân để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu, các tàu vỏ thép đã đóng và đang đóng trên phạm vi toàn quốc để chấn chỉnh.

Theo đó, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các sự cố của tàu vỏ thép để đưa vào sản xuất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

"Hiện nay, các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định. Dự kiến, đến cuối tháng Tám công tác khắc phục sẽ hoàn thành và các tàu cá sẽ tiếp tục đi hoạt động," Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Đồng quan điểm, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cũng cho hay, Nghị định này là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.

”Về phía quan điểm của chúng tôi, vẫn tiếp tục ủng hộ chương trình này để chủ trương của Đảng được thực hiện có hiệu quả và những mục tiêu chúng ta đặt ra với chương trình đạt được. Hiện nay chúng ta mới chỉ đạt được nửa chặng đường, chúng ta đã hình thành được cơ chế vận hành bắt đầu vào guồng bên cạnh một số vướng mắc nhưng về cơ chế đã thống nhất rồi,” ông Phát nói rõ quan điểm.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cũng kiến nghị cần xem xét thành lập riêng bộ máy chỉ đạo về triển khai nghị định 67 nhằm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và kịp thời đôn đốc khi có các tình huống xảy ra. Thực hiện hỗ trợ để đóng mới và nâng cấp tàu cá với cơ chế linh hoạt, đồng thời hỗ trợ đóng thuế, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của tàu cá; kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện chủ trương về bảo hiểm thân tàu và đối với ngư dân.

Siết chặt quản lý chất lượng tàu cá

Liên quan đến công tác kiểm tra chất lượng tàu vỏ thép, ông Trần Châu, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định – địa phương có số lượng tàu vỏ thép bị hỏng nhiều nhất sau khi đóng mới cho biết, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn do tàu hư hỏng nằm bờ trong thời gian dài khó trả lãi ngân hàng.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, ông Châu cũng đề xuất cần xem xét việc giãn nợ ngân hàng, đồng thời kiến nghị cho phép các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương tham gia giám sát quá trình đóng tàu để đảm bảo chất lượng các tàu đóng mới.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do Nghị định này theo thẩm quyền của mình.

“Công tác kiểm soát chất lượng tàu cá, kiểm soát chất lượng tàu cá đóng mới là vấn đề cần nghiêm túc thực hiện. Tàu cá có chất lượng hay không là do người đóng tàu, chứ không thể chúng ta đứng ngoài giám sát, không thể phải để người dân vào giám sát vì dân không biết chuyên môn. Nếu tàu mới về bị hỏng không phải do người sử dụng mà hỏng vì nhà sản xuất thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, nếu vi phạm, sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Phải tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và lương tâm của các cơ sở đóng tàu thì chúng ta mới triển khai tốt được," Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giám sát là cần thiết, nhưng không phải là yếu tố quyết định, mà quyết định là tổ chức đóng tàu phải có đầy đủ tư cách của một nhà đóng tàu chuyên nghiệp và có trách nhiệm đảm bảo con tàu này chất lượng, có thương hiệu cho người dân yên tâm trên con tàu này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Chính phủ tập trung thực hiện soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, để sớm ban hành trong quý 4 năm nay và triển khai thực hiện vào tháng 1/2018.

Trong quá trình xem xét sửa đổi, cần tập trung vào những vấn đề như: cần có cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục thiết yếu các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các vùng cảng cá động lực ở 5 trung tâm nghề cá lớn; áp dụng cơ chế cho vay phù hợp, bổ sung cơ chế cho vay rủi ro; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc giám sát đóng mới, giải ngân đóng mới. Đặc biệt khâu giám sát thi công, đăng kiểm, đóng tàu...

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần chủ trì cùng các Bộ ngành và các cơ quan liên quan triển khai nhóm chính sách đã ban hành theo Nghị định 67 đến hết năm nay và khẩn trương khắc phục sự cố tàu vỏ thép bị hỏng để đưa vào sản xuất. Vấn đề này phải làm ngay, bởi việc này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn có cả ý nghĩa về chính trị, xã hội cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức có sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 67, nhất là đóng mới tàu cá không đảm bảo chất lượng. Rà soát lại các cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá và đưa vào các đơn vị có đủ năng lực, chất lượng để thực hiện việc này," Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.