Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng đang đối mặt với không ít khó khăn, cần chiến lược phát triển phù hợp là vấn đề được đặt ra tại hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Định hướng chiến lược phát triển KCNC Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, do Ban quản lý (BQL) KCNC Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) tổ chức sáng 3-8.
Công ty TNHH Niwa Foundry là một trong những nhà đầu tư đầu tiên tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với vốn FDI 100% Nhật Bản. Ảnh: KHANG NINH |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đánh giá: “Đến nay, có thể khẳng định KCNC Đà Nẵng đã được đầu tư đúng hướng, đạt một số kết quả khả quan và có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, KCNC Đà Nẵng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, cần có một chiến lược phát triển phù hợp”.
Theo Phó BQL KCNC Đoàn Ngọc Hùng Anh, một trong những hạn chế lớn nhất của KCNC Đà Nẵng hiện tại là hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), ươm tạo công nghệ cao hầu như chưa có, trong khi đây là chức năng được ưu tiên hàng đầu trong số 5 chức năng của KCNC Đà Nẵng. “Một khi tiềm lực khoa học và công nghệ thấp, KCNC có nguy cơ trở thành khu công nghiệp công nghệ cao”, ông Anh cho biết. Bên cạnh đó, hiện Đà Nẵng vẫn chưa có quy định chính thức về tiêu chuẩn các dự án đầu tư vào KCNC. Đây được xem là một trong các lý do hạn chế hoạt động và kết quả xúc tiến đầu tư vào khu vực này. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics chưa phát triển; nguồn nhân lực công nghệ cao ít và vốn đầu tư xây dựng khó khăn cũng là các lý do tại sao sau 7 năm kể từ khi được thành lập, KCNC Đà Nẵng mới dừng lại ở con số 7 dự án khá “khiêm tốn”.
Trưởng BQL KCNC Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nêu vấn đề: “Chúng ta đang đối mặt với không ít thách thức. Nhiều địa phương đang xin được cấp cơ chế đặc thù cho các khu kinh tế và cả các KCNC. Vậy phải làm gì để KCNC Đà Nẵng đủ sức cạnh tranh? Là 1 trong 3 KCNC cấp quốc gia của cả nước, Đà Nẵng có thể học được gì từ KCNC Hòa Lạc (Hà Nội) và KCNC TP. Hồ Chí Minh? Có thể phát triển theo hướng nào để tạo sự khác biệt phù hợp với thực tế của thành phố?”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội thảo. |
Theo TS. Nguyễn Minh Ngọc, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), để phát triển bền vững KCNC Đà Nẵng, hoạt động R&D cần được xem là nơi tập trung nguồn lực ngân sách. “Đà Nẵng có nhiều thuận lợi về chính sách, đồng thời có thể cân đối được ngân sách địa phương. Đây là thế mạnh của thành phố để đầu tư vào R&D”, TS. Nguyễn Minh Ngọc nói. Tuy nhiên, ngay cả hoạt động nghiên cứu cũng cần chọn những lĩnh vực trọng điểm, thay vì “đụng đâu, làm đó”. TS. Nguyễn Minh Ngọc đưa ra ví dụ, KCNC Đà Nẵng hiện không nên tập trung vào công nghệ sinh học, bởi trong tương lai sẽ có một trung tâm sinh học công nghệ cao quy mô lớn được thành lập ở Huế. Nếu Đà Nẵng cũng “làm” sinh học, sẽ tự gây khó cho mình trong việc huy động nguồn vốn, nhân lực.
Chia sẻ về tầm nhìn đối với KCNC Đà Nẵng, TS. Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho hay: “KCNC Đà Nẵng cần hướng tới việc hội tụ đầy đủ các yếu tố của một KCNC quốc gia, trong đó có các viện nghiên cứu mạnh, các doanh nghiệp hàng đầu trong từng lĩnh vực, các nguồn lực nghiên cứu - phát triển…”. Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, TS. Hùng cho hay: “Dù KCNC Đà Nẵng nằm trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng mang quy mô quốc gia và có tác động trực tiếp đến cả khu vực miền Trung. Vì vậy, để hoạt động thu hút đầu tư có hiệu quả, cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía Chính phủ”. Theo TS. Nguyễn Minh Ngọc, mỗi lĩnh vực nên thu hút một doanh nghiệp có tiếng, hoặc thu hút các đơn vị nghiên cứu mạnh để tạo “hiệu ứng đàn sếu”, nhưng muốn vậy, cần sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền thành phố.
Theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, KCNC Đà Nẵng đang chuẩn bị đầu tư dự án Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, nhà nghiên cứu vào quá trình phát triển của KCNC. Thời gian đến, KCNC Đà Nẵng cũng sẽ phối hợp với BQL các KCNC trên cả nước để cùng tham mưu xây dựng, ban hành chính sách quản lý vĩ mô, cơ chế ưu đãi phù hợp thực tiễn phát triển KCNC.
Được thành lập từ cuối năm 2010, Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng là KCNC đầu tiên ở miền Trung và là KCNC đa chức năng cấp quốc gia thứ ba của cả nước. Với vị trí địa lý chiến lược (lân cận 6 khu công nghiệp tại Đà Nẵng và các khu kinh tế miền Trung, nằm trên cửa ngõ Hành lang Kinh tế Đông - Tây), KCNC Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đến nay, KCNC Đà Nẵng thu hút được 7 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 157,6 triệu USD, trong đó có 2 dự án FDI sản xuất công nghệ cao với 100% vốn Nhật Bản. Các doanh nghiệp tại KCNC đang được hưởng một loạt ưu đãi về thuế, phí sử dụng hạ tầng, thuê đất cùng nhiều hỗ trợ đầu tư khác của Trung ương và thành phố. |
Bài và ảnh: KHANG NINH