Lãi suất cho vay tiêu dùng đang thấp hay cao?

.

Thấp hay cao là khái niệm tương đối vì việc tiếp cận ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn rất khó khăn  trong khi việc tiếp cận vay qua các công ty tài chính rất dễ dàng nên lãi suất cao hơn, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Vay tiêu dùng thuận đôi đường

Đến làm thủ tục tất toán khoản vay trả góp từ công ty tài chính (CTTC) VPB FC – thương hiệu FE Credit, chị Phương Anh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, chị vay 30 triệu đồng để mở một cửa hàng đồ ăn nhanh tại nhà. Sau khi cung cấp các loại giấy tờ theo yêu cầu, bao gồm CMND, sổ hộ khẩu và hóa đơn tiền điện, chị được chấp thuận hồ sơ và giải ngân rất nhanh chóng.

Với khoản vay kể trên, hàng tháng chị Phương Anh phải trả 3.150.000 đồng, bao gồm cả gốc và lãi. Sau 12 tháng, tổng tiền thanh toán của chị là 37.800.000 đồng, tương đương lãi suất 26%/năm.

“Mới đầu nghe số tiền phải trả tôi cũng lo lắm nhưng thấy sức mình làm được, đủ sức trả tiền vay mà trừ mọi chi phí vẫn có lãi nên quyết tâm vay. Hơn nữa, nếu không vay từ CTTC thì tôi không biết lấy đâu ra vốn. Bạn bè thì không dư dả, ngân hàng thì không vay được còn “tín dụng đen” thì lãi phải gấp nhiều lần mà lại không an toàn”, chị Phương Anh giãi bày.

Không chỉ chị Phương Anh mà hơn 10 triệu khách hàng khác của thị trường tín dụng tiêu dùng cũng đã và đang chọn kênh phân phối vốn này như một giải pháp hỗ trợ tài chính cá nhân nhờ các ưu điểm là thủ tục “đã nhanh còn dễ”, thời gian giải ngân cực ngắn, không yêu cầu tài sản thế chấp hay chứng minh thu nhập. 

Bên cạnh các ưu điểm kể trên, có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn còn ở mức cao khiến một số khách hàng có phần e dè, đặc biệt là những người có thu nhập không ổn định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Quan điểm lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp thấp hay cao chỉ là khái niệm mang tính chất tương đối vì lãi suất chỉ phản ánh một phần chứ không thể hiện toàn bộ tổng chi phí đi vay của người tiêu dùng.

“Việc tiếp cận ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn rất khó khăn, thủ tục lại rườm rà và không phải ai cũng đủ điều kiện đi vay, trong khi việc tiếp cận vay qua các công ty tài chính rất dễ dàng nên lãi suất cao hơn” ông Tú Anh nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay tiêu dùng đang thấp hay cao?

Không riêng Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Nguyễn Tú Anh mà nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng đồng tình với quan điểm rằng không thể kết luận lãi suất cho vay tiêu dùng đang thấp hay cao nếu chỉ căn cứ theo con số tuyệt đối mà cần đánh giá dựa trên tương quan giữa chi phí và lợi ích của khoản vay. Theo các chuyên gia, nếu dựa trên cơ sở lãi suất vay của các ngân hàng thì lãi suất vay tiêu dùng tại các CTTC cao hơn vay ngân hàng là điều dễ hiểu. Thông thường, khách hàng không tiếp cận được vốn ngân hàng do thiếu tài sản bảo đảm, không chứng minh được khả năng tài chính, muốn thủ tục đơn giản và khả năng duyệt giải ngân cao hơn… mới đi vay tiêu dùng qua các CTTC.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, kết quả khảo sát thực tế cho thấy lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đang phổ biến ở mức 20 – 40%/năm.

“So với lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng của các ngân hàng cũng đang dao động từ 25-30%/năm nhưng kèm với nhiều điều kiện rất khó đáp ứng, chưa kể vô số các loại phí khác, tôi cho rằng lãi suất của các CTTC là hợp lý”.

Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị FE Credit bổ sung: “Đối với những người có thu nhập trung bình, thấp, lại không có tài sản thế chấp, nếu không có các CTTC thì người dân chỉ có cách tìm đến “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”.

Với những khách hàng này, nếu căn cứ mối tương quan giữa lợi ích và chi phí, có thể thấy mức lãi suất 20-40% khi vay tiêu dùng từ các CTTC thực ra là thấp. Còn nếu chờ đợi “cửa” ngân hàng thương mại thì dù mức lãi suất đi vay có giảm hơn nhưng cũng không có ý nghĩa gì vì khả năng tiếp cận của họ là gần như bằng 0.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính cũng lưu ý về việc khách hàng có thể hưởng được mức lại suất ưu đãi từ các chương trình khuyến mãi từ bên cho vay và mức lãi suất hợp lý nếu có lịch sử tín dụng tốt bằng cách đảm bảo đúng tiến độ thanh toán, tuân thủ các quy định trong hợp đồng đã ký kết để được hưởng các ưu đãi của bên cho vay.

Thực tế phát triển của các nền kinh tế trên thế giới cũng cho thấy, tài chính tiêu dùng là một thị trường đặc thù, được điều chỉnh sâu sắc bởi chính nhu cầu của chính thị trường. Nếu lãi suất của thị trường này cao thì người tiêu dùng sẽ có phản ứng ngay lập tức. Còn nếu thị trường này vẫn hấp dẫn và tăng trưởng đều đặn thì chứng tỏ mức lãi suất đấy vẫn “chấp nhận được”.

Tính đến cuối 2016, thị trường tín dụng tiêu dùng có giá trị 646.000 tỷ đồng và liên tục tăng trưởng 20-30%/năm kể từ 2010. Dự kiến, đến năm 2019, quy mô của thị trường này có thể đạt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Đỗ Hà

;
.
.
.
.
.