ĐNO - Sáng 8-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Tại công trường thi công khu vực Km 65 xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tháng 8-2017, tuyến cao tốc đoạn Đà Nẵng-Tam Kỳ dài 65 km được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, do việc khai thác tạm trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện nên nảy sinh nhiều bất cập, lưu lượng phương tiện di chuyển từ Quốc lộ 40B - đoạn từ thành phố Tam Kỳ lên cao tốc và ngược lại tăng đột biến, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Sau mưa lũ, tuyến đường này xuống cấp trầm trọng, mỗi ngày hàng trăm phương tiện chen lấn nhau trên mặt đường hẹp dày đặc ổ gà, ổ voi. Tai nạn giao thông luôn rình rập. Người dân nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền và ngành chức năng nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết.
Ngày 7-12, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã thông báo tạm dừng phục vụ các phương tiện loại 4 (xe từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet) và loại 5 (xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet) trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là công trình điển hình, làm mẫu cho toàn bộ tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ được triển khai trong thời gian tới. Vì vậy, trong quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải đặc biệt lưu ý đến chất lượng công trình và không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các nhà thầu tập trung phương tiện, nhân lực, bảo đảm thi công đạt chất lượng, đúng tiến độ. Đặc biệt, các nhà thầu phải có giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và phương tiện trong khu vực trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu VEC làm việc chặt chẽ với địa phương để sớm có các giải pháp xử lý ùn tắc cục bộ tại khu vực huyện Phú Ninh-Quảng Nam; đồng thời xử lý tốt các tình huống phát sinh trong quá trình bàn giao mặt bằng, thi công trên công trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, tặng quà, động viên các nhà thầu đang thi công trên công trình. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tính đến 30-11, tổng giá trị các gói thầu xây lắp của dự án đạt 84,4% tổng giá trị hợp đồng xây lắp (chậm 3,8%), trong đó đoạn tuyến JICA đạt 94,8% (chậm 2,2%). Chủ đầu tư - VEC đang tích cực chỉ đạo nhà thầu hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến chính vào 30-6-2018.
Đến nay, đã bàn giao mặt bằng thông toàn bộ tuyến chính 139,2 km. Hiện trên toàn tuyến vẫn bị cản trở, vướng mắc thi công 37 vị trí (với tổng số 585 hộ bị ảnh hưởng).
Sản phẩm Bus Thaco có tỷ lệ nội địa hóa đến hơn 40%. |
* Sáng ngày 8-12, tại khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai – Trường Hải, Nhà máy Bus Thaco lớn nhất Đông Nam Á được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây được xem là công trình khởi đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.
Nhà máy Bus Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9-2016 trên diện tích 17 ha; trong đó, diện tích nhà xưởng 8 ha, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; công suất thiết kế 20.000 xe/năm. Đây là nhà máy sản xuất, lắp ráp xe bus lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được trang bị hệ thống lắp ráp và sản xuất tự động với tỷ lệ nội địa hóa lên đến hơn 40%.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng Thaco khánh thành Nhà máy Bus Thaco; đồng thời ghi nhận và biểu dương sự đóng góp của Thaco cho ngành công nghiệp ô-tô, tỉnh Quảng Nam và cho cả nước.
Dịp này, Thaco và đối tác ký kết các hợp đồng xuất khẩu xe bus mang thương hiệu Thaco sang thị trường các nước: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 ít nhất là 550 xe.
THÀNH LÂN