Tại nhiều khu dân cư (KDC), khu đô thị mới hình thành trên địa bàn Đà Nẵng, tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm gây nhiều tác hại và bức xúc cho người dân, đòi hỏi phải có quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ để bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Bò thả rông ở khu đô thị Phước Lý. |
Trong 12 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 12/2006/CT-UBND của UBND thành phố về nghiêm cấm chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm sống trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và một số phường của quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu đã được cải thiện, bảo đảm vệ sinh môi trường trong các KDC.
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu vực được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm nay đã trở thành khu đô thị mới, nhưng người dân vẫn chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, cơ quan chức năng không thể thực hiện biện pháp chấm dứt nuôi gia súc thả rông vì chưa… có lệnh cấm.
Tại khu đô thị Phước Lý (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), khu vực này trước đây được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, nay đã trở thành khu đô thị, một số hộ dân tại địa phương vẫn tiếp tục chăn nuôi bò thả rông với số lượng hơn 100 con.
Hằng ngày, bò đi lại trên đường, gây mất an toàn giao thông; thậm chí đi vào khu vực nhà dân ăn cây xanh, cây cảnh, xới tung các thùng rác tìm thức ăn và thải nhiều chất bẩn khắp nơi. Người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng chính quyền địa phương không thể giải quyết dứt điểm.
Tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), UBND phường đã nhiều lần bắt bò thả rông, không có người chăn dắt và xử phạt hành chính các hộ chăn nuôi. Tháng 12-2017, UBND phường mời cùng lúc 26 hộ nuôi bò (hơn 720 con bò) để tuyên truyền và nhắc nhở.
Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho rằng, chính quyền không cấm người dân nuôi bò, nhưng phải thực hiện đúng quy định là có người chăn dắt, không để bò phá hoại tài sản của người dân, phóng uế bừa bãi trong KDC.
Trong khi đó, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), trong năm 2017 xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông do bò thả rông trên đường Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Tất Thành nối dài, làm 2 người bị thương. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng hiện nay thỉnh thoảng vẫn xuất hiện bò thả rông trên đường, phá hại cây cối và phóng uế bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường ở Khu đô thị sinh thái Golden Hills…
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn thành phố hiện có 18.400 con trâu và bò, 42.900 heo và 443.000 con gia cầm, đa phần được nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình (chiếm 60%), chăn nuôi trang trại chỉ chiếm 40%.
Trước tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là tình trạng nuôi bò thả rông ở các KDC, khu đô thị, trong năm 2017 và đầu năm 2018, Chi cục phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu, xây dựng, hoàn thiện quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố và đã lấy ý kiến đóng góp của các địa phương cùng các sở, ngành liên quan.
Đến ngày 9-2 vừa qua, UBND thành phố có Quyết định số 709/QĐ-UBND ban hành đề án “Quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ, kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Việc chăn nuôi chủ yếu chỉ còn lại ở huyện Hòa Vang và một số tổ dân phố ở quận Liên Chiểu. Các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ hoàn toàn không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đề án cũng quy định rõ, việc quản lý chăn nuôi trên địa bàn sẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý.
Theo Quyết định số 709/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành đề án “Quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ, kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, trên địa bàn huyện Hòa Vang, xã Hòa Châu được phép chăn nuôi nhỏ lẻ ở các thôn Đông Hòa (trừ tuyến quốc lộ 1A cũ thuộc tổ 5, tuyến quốc lộ 1A mới thuộc tổ 4), Tây An, Phong Nam (trừ các hộ trên tuyến quốc lộ 1A và tổ 9), Dương Sơn (trừ tổ 3 và gần tuyến ĐT 605), Quang Châu, Giáng Đông. Xã Hòa Liên, tại các thôn Trường Định, Quan Nam 1 (trừ khu tái định cư - TĐC tổ 7 và 8), Quan Nam 3 (từ khu TĐC số 8), Quan Nam 4, Quan Nam 6, Trung Sơn, Hưởng Phước, Hiền Phước, Tân Ninh, tổ 8 và 9 thôn Vân Dương 1. Xã Hòa Tiến, tại các thôn Lệ Sơn 2, Nam Sơn, La Bông (trừ khu dân cư - KDC tổ 11), Lệ Sơn Nam (trừ khu TĐC tại tổ 6, KDC xóm Bàu thuộc tổ 6 và 7), An Trạch, Cẩm Nê, Yến Nê 1, Yến Nê 2, Thạch Bồ, Dương Sơn. Các xã Hòa Sơn, Hòa Khương và Hòa Nhơn được phép chăn nuôi trên toàn địa bàn xã. Các xã còn lại được chăn nuôi quy mô nhỏ, ngoại trừ các KDC và khu đô thị phía tây nam Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang (thôn Dương Lâm 1 và KDC phố chợ Túy Loan), xã Hòa Phong; ngoại trừ các tổ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của thôn Miếu Bông và khu TĐC Giáng Nam 2, xã Hòa Phước; ngoại trừ khu TĐC Trung tâm hành chính xã Hòa Bắc (thôn Phò Nam) và khu TĐC Tà Lang - Giàn Bí, xã Hòa Bắc; ngoại trừ khu TĐC số 1 và số 2 thuộc thôn Sơn Phước, tổ 2 và tổ 3 thôn Sơn Phước, KDC phía nam nhà vườn Hòa Ninh, KDC số 4 thuộc thôn An Sơn, xã Hòa Ninh; trừ tổ 2 và 3 thôn Hội Phước, tổ 2 thôn Đông Lâm, tổ 1 và 2 thôn Hòa Thọ, tổ 2 thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú. Tại quận Liên Chiểu, chỉ được phép chăn nuôi ở khu vực ven đồi núi Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc; các tổ 67, 69, 70, 71, 76, 77, 78, 79, 80 và 81 phường Hòa Khánh Bắc; các tổ 60, 61, 63 và 69 phường Hòa Khánh Nam. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP