Yokohama (Nhật Bản) đề xuất phát triển cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái

.

Ngày 26-7, tại các phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 8 tại Đà Nẵng, thành phố Yokohama (Nhật Bản) đề xuất nhiều giải pháp giúp Đà Nẵng phát triển bền vững. Đáng chú ý là đề xuất phát triển cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái, thân thiện môi trường; quản lý chất thải rắn toàn diện, phân loại rác tài nguyên và tái chế chất thải rắn...

Theo đó, đại diện thành phố Yokohama đề xuất phương châm phát triển khu vực cảng cá Thọ Quang theo hướng phát triển kinh tế hài hòa với môi trường; phát huy đầy đủ chức năng sản xuất thủy sản, phòng chống thiên tai, quản lý vệ sinh nhờ vào việc áp dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại; bố trí lại các khu chức năng, cơ sở vật chất một cách hiệu quả và thu hút khách du lịch theo hướng “Ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”.

Cụ thể, đề xuất thực hiện cải thiện chất lượng nước trong âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trong đó, tích hợp với kết quả khảo sát khả thi của dự án quản lý nước thải công nghiệp Đà Nẵng mà Công ty Murata Keisokuki đang tiến hành.

Thành phố Yokohama đề xuất công nghệ hút bùn đáy âu thuyền và thổi cát lấp vào đáy nhằm cải thiện môi trường; đồng thời, xử lý bùn thành đất và tái sử dụng để san lấp lấn biển, mở rộng cảng cá; trang bị chức năng kho vận (logistics) cho cảng cá, hiện đại hóa khu công nghiệp chế biến thủy sản, đặc biệt là đề xuất đầu tư dây chuyền đông lạnh, hiện Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang tiến hành khảo sát nhắm đến mục đích đầu tư vào thực tế dự án…

Tại phiên thảo luận chuyên đề “Chất thải rắn, tái chế và xử lý bùn thải”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Lê Quang Nam cho biết, việc thực hiện thí điểm quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế ở 2 quận Hải Châu và Thanh Khê do thành phố Yokohama tài trợ đạt những kết quả tích cực bước đầu; từ đó đề nghị thành phố Yokohama tiếp tục tham vấn các giải pháp để nhân rộng hoạt động phân loại rác thải tại nguồn từ khu vực dân cư đến khu vực hành chính, thương mại, dịch vụ (văn phòng, nhà hàng, khách sạn...).

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng mong muốn phía Yokohama chia sẻ ý tưởng công nghệ hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường để thiết lập một xã hội tái chế rác thải từ nguồn phát sinh đến điểm xử lý cuối cùng là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố hình thành trong tương lai…

Công ty CP Takematsu Shoji giới thiệu dự án tái chế chất thải rắn theo hình thức tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng nhằm sản xuất thức ăn chăn nuôi từ chất thải thực phẩm còn tươi mới, sản xuất phân bón từ chất thải thực phẩm đã hỏng và xác lá cây, thực vật.

Công ty đề xuất thực hiện thử nghiệm dự án trên một khu đất rộng 5.000m2 để xây dựng công xưởng, lắp đặt thiết bị khoảng 3 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 3 năm kể từ tháng 11-2018 với thu nhập từ bán thức ăn chăn nuôi đến 1,08 tỷ đồng/năm… Ngoài ra, Công ty Kỹ thuật JPE cũng đề xuất mô hình quản lý rác thải toàn diện thông qua việc phân loại và tái chế rác thải tại nguồn kết hợp đốt rác phát điện và chôn lấp hợp vệ sinh.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.